"Miễn là bạn suy nghĩ về những gì người khác đang nghĩ và kiên định với chiến lược đầu tư của mình, bạn sẽ luôn thành công". Triết lý nghe có phần mơ hồ này được Zhou Chengji, 1 chuyên viên tư vấn đầu tư người Trung Quốc, đưa ra hôm 3/9 trong khuôn khổ bài giảng trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ.
Những ngày này, không chỉ ở Trung Quốc mà khắp nơi trên thế giới đã xuất hiện nhan nhản các day trader và những nhà đầu tư dù nghiệp dư và vừa mới chân ướt chân ráo bước vào thị trường nhưng rất thích rao giảng. Tuy nhiên, lời khuyên của Zhou lại là về 1 loại tài sản khá bất thường: hợp đồng trứng gà tương lai.
Nếu bạn quan tâm đặc biệt đến chuyện những con gà mái có đẻ nhiều trứng vào mùa thu này hay không và liệu người tiêu dùng có lên cơn cuồng những món ăn từ trứng gà hay không, hãy tham gia vào thị trường trứng gà tương lai ở Trung Quốc.
Tất cả những gì bạn phải làm là liên hệ với môi giới để mở tài khoản và đặt cọc 4.000 nhân dân tệ (tương đương 585 USD). Đặt cược giá trứng sẽ tăng là giao dịch được ưa chuộng nhất trong mùa hè vừa qua, với giá các hợp đồng tương lai tăng tới 65% trong khoảng thời gian từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 7. Sau đó giá đã giảm hơn 20%, nhưng thị trường vẫn rất sôi động. Các nhà đầu tư mua và bán gần 3 triệu tấn trên thị trường trứng gà tương lai mỗi ngày, tương đương 1/10 tổng số trứng được tiêu thụ ở Trung Quốc trong cả 1 năm.
Khác với Chicago hay London lần lượt là các sàn giao dịch nông sản và kim loại lớn nhất thế giới, trên các sàn giao dịch hàng hóa của Trung Quốc – gồm Thượng Hải, Đại Liên và Trịnh Châu, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đóng vai trò lớn hơn rất nhiều. Con số chính thức ước tính năm 2016 khoảng 85% các vị thế mở trên các sàn giao dịch hàng hóa của Trung Quốc là do cá nhân thực hiện, so với tỷ lệ chưa đến 15% ở Mỹ.
Bên cạnh đó, sự sơ khai của thị trường Trung Quốc cũng làm bộc lộ rõ nét những sự thật phũ phàng về các hợp đồng tương lai.
Bắt đầu với thứ cơ bản nhất – nhu cầu phòng vệ rủi ro. Hợp đồng tương lai là 1 công cụ để tự bảo vệ bản thân trước kịch bản xuống giá (đối với các nhà sản xuất) hoặc lên giá (đối với người tiêu dùng). Ở phương Tây, điều này khá rõ ràng vì thị trường mang tính tập trung cao. 4 công ty sản xuất thép lớn nhất chiếm khoảng 80% sản lượng thép ở Mỹ trong năm 2017. Nhưng tỷ lệ ở Trung Quốc chỉ là 20%.
Thị trường giao ngay bị phân mảnh khiến các hợp đồng tương lai khó có thể trở thành thước đo chuẩn, trong khi sẽ rất nguy hiểm nếu như không có mức giá chốt chặn. Vì thế Trung Quốc tung ra rất nhiều loại hợp đồng tương lai. Chỉ trong 2 năm qua đã cho ra đời hơn một chục loại mới, từ dầu thô đến thép không gỉ hay táo. Phải mất một thời gian nữa để gây dựng uy tín.
Trong số 20 loại hợp đồng tương lai được giao dịch nhiều nhất trên thế giới trong năm ngoái, có tới 14 loại đến từ các sàn giao dịch của Trung Quốc. Điều này cho thấy một lượng tiền lớn đang bị kẹt và không kiếm được cơ hội để đầu tư do các quy định khắt khe về quản lý vốn. Ngoài ra có 2 lý do khác giải thích cho khối lượng giao dịch cao ngất ngưởng của Trung Quốc: kích thước lô nhỏ (ví dụ 5 tấn đối với hợp đồng ngô tương lai ở Thượng Hải, trong khi trên sàn London là 25 tấn) và các nhà đầu tư thông thường dễ dàng tiếp cận thị trường thông qua các tài khoản môi giới. Các nhà đầu tư định chế hưởng lợi từ mức thanh khoản cao tạo ra từ đây. Và điều này cũng giúp xóa bỏ rủi ro không thể bước vào hoặc thoát khỏi vị thế vì thiếu thanh khoản.
Có 1 lý do khác khiến các nhà đầu tư định chế yêu thích thị trường tương lai ở Trung Quốc: họ có thể dễ dàng kiếm lời. Hợp đồng tương lai hàng hóa phản ánh 1 hệ thống tài chính có thể bị bóp méo như thế nào nếu tồn tại 1 hàng rào bao quanh tách biệt nó với phần còn lại của thế giới. Darin Friedrichs, chuyên gia đến từ công ty môi giới StoneX, nhận xét những lời đồn đại thiếu căn cứ có thể dễ dàng khiến giá cả biến động rất mạnh, ví dụ gần đây tin đồn Brazil đóng cửa một số cảng đã khiến giá đậu tương tương lai tăng vọt. Các nhà đầu tư định chế cũng ưa thích chiến thuật kiếm lời bằng cách mua ở nước ngoài để bán ra trong nước khi giá ở Trung Quốc cao hơn ở nước ngoài.
Các nhà quản lý đang dần dần phá bỏ những bức tường bao quanh thị trường hàng hóa tương lai Trung Quốc, cho phép các doanh nghiệp quốc tế bước vào thị trường. Các hợp đồng giao dịch nhiều với các đối tác quốc tế như ngô và dầu ngày càng được chuẩn hóa. Nhưng đối với những người ưa thích mạo hiểm, trứng vẫn luôn là lựa chọn hàng đầu và Trung Quốc vẫn là "miền đất hứa".
Tham khảo The Economist