Tại phiên đấu giá kim cương mới nhất của De Beers, những người mua sắm loại đá quý thường được sử dụng để làm nhẫn đính hôn đã phải chịu một cú sốc: giá cả đã tăng thêm 10% so với lần trước.
Theo những người quá quen thuộc với thị trường này, tin tức về mức tăng đột biến lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng 80 khách VIP của De Beers, những người đã được công ty này lựa chọn cẩn thận. Nhưng những gì tiếp theo thậm chí còn đáng chú ý hơn: ngay vài giờ sau đó, một số trong những viên kim cương được bán ra nói trên đã được trao tay với mức giá tăng thêm 10% nữa.
Giá tăng vọt - và sự sẵn lòng trả giá của người mua - là dấu hiệu mới nhất cho thấy nhu cầu đang tăng cao. Chỉ chín tháng trước, ngành công nghiệp này đã bị đình trệ bởi đại dịch. Giờ đây, những người thợ cắt và thợ đánh bóng, những người tạo nên xương sống của thị trường kim cương toàn cầu đang cạnh tranh gay gắt để tranh giành thị phần.
Có một số lý do đằng sau hiện tượng này. Các nhà bán lẻ lớn ở Hoa Kỳ và Trung Quốc đang tích cực gia tăng nguồn cung để bắt kịp với doanh số tăng mạnh, trong khi nguồn cung kim cương thô bị thắt chặt vì De Beers và đối thủ cạnh tranh là Alrosa PJSC đã hạn chế nguồn cung ra thị trường. Có lẽ quan trọng nhất, giá kim cương đã qua xử lý - vốn từ lâu là một gánh nặng cho ngành công nghiệp này - cuối cùng cũng đã lấy lại vị thế.
Kim cương đã là kẻ chiến thắng lớn trong lúc tình trạng đóng cửa trên phạm vi toàn cầu khiến cho khả năng tiếp cận các hàng hóa xa xỉ khác bị hạn chế. Điều này lần đầu tiên được ghi nhận khi doanh số bán hàng vào dịp lễ cao hơn mong đợi, từ Lễ Tạ ơn đến Tết Nguyên đán, và xu hướng này vẫn tiếp tục duy trì kể từ đó.
"Thị trường kim cương thô đang nóng lên". Anish Aggarwal, một đối tác của hãng tư vấn kim cương Gemdax, cho biết. "Nguồn cung đang thiếu hụt vào lúc này. Điều đó tạo ra cảm giác khan hiếm ở tất cả các khâu của quá trình sản xuất ".
Đối với một số người trong ngành, có những lo lắng rằng thị trường có thể sẽ trở nên quá nóng. Phải mất khoảng ba tháng để cắt gọt, đánh bóng và bán một viên kim cương, vì vậy những viên đá được mua với giá rẻ vào đầu năm nay lại đang được bán và thu về lợi nhuận lớn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là những người mua ở mức giá hiện tại đang đặt cược vào việc giá sẽ tăng lên trong tương lai.
Hiện tại, nhu cầu vẫn chưa có dấu hiệu giảm. Ở thị trường thứ cấp, nơi những thành viên của De Beers và Alrosa bán lại sản phẩm cho các nhà sản xuất đá quý khác, kim cương đã được trao tay với mức giá cao hơn từ 5% đến 10%, thậm chi còn cao hơn với một số đơn hàng cụ thể. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường kim cương đã khiến một số nhà sản xuất thậm chí mua kim cương đã qua xử lý để đáp ứng nhu cầu từ các nhà bán lẻ, thay vì cạnh tranh để có nguyên liệu thô để chế biến và bán.
Nga cũng đang tìm cách tận dụng sức mạnh đến từ nhu cầu gia tăng và nguồn cung khan hiếm. Nước này đang cân nhắc việc bán kim cương thô từ các kho dự trữ quốc gia. Chính phủ Nga đang chuẩn bị một sắc lệnh để tăng doanh số bán kim cương theo kế hoạch từ kho lưu trữ của quốc gia này, còn được gọi là Gokhran. Có khả năng Alrosa sẽ tham gia bỏ thầu để bổ sung lượng hàng dự trữ vốn đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá cả đã tăng trong suốt cả năm, với việc De Beers tăng giá ở hầu hết các đợt bán trong năm nay. Giá kim cương ở hầu hết các kích cỡ đã tăng thêm từ 5% đến 10%. Cả hai công ty lớn trên thị trường kim cương cũng đã cố gắng bán bớt hàng tỷ đô la hàng dự trữ mà họ đã tích góp vào năm ngoái. Mức bán đạt đỉnh khi De Beers thu về 663 triệu USD vào tháng Giêng.
Tuy nhiên, đợt bán hàng vào tháng trước chỉ đem lại 380 triệu USD và những người tham gia cho biết họ mong đợi một đợt chào hàng có quy mô tương tự sẽ diễn ra trong tuần này, vì De Beers hiện có rất ít lượng hàng dự trữ để bán.
Điều đó hứa hẹn sẽ làm cho nguồn cung tiếp tục bị thắt chặt khi các nhà bán lẻ như Tập đoàn Chow Tai Fook Jewellery Group của Trung Quốc. và Costco tiếp tục đặt những đơn hàng lớn đối với mặt hàng kim cương đã qua xử lý.
Tham khảo Bloomberg