Cơn sốt phi điệp đột biến chưa có dấu hiệu dừng lại khi mỗi giờ trên các hội, nhóm chơi lan đột biến trên mạng xã hội tiếp tục đăng tải các thông tin mua bán phi điệp đột biến với giá từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng.
Trong khi đó, lực lượng chức năng cảnh báo người dân nên tỉnh táo trước trào lưu này.
Cơn sốt phi điệp đột biến: Cảnh báo lừa đảo
Theo lực lượng công an nhiều địa phương, cơn sốt phi điệp đột biến trong thời gian qua tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, đã thấy những dấu hiệu của thổi giá, lừa đảo.
Được biết, Công an huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) vừa triệt phá một băng nhóm lừa đảo liên quan đến lan phi điệp đột biến. Theo đó, đơn vị đã tiến hành bắt giam 11 đối tượng đến từ Hòa Bình có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc bán lan phi điệp đột biến.
Kết quả điều tra cho thấy, nhóm đối tượng này đến thuê lại một ngôi nhà 2 tầng ở thị trấn Cầu Giát, huyện Quỳnh Lưu để làm nhà vườn nuôi trồng và buôn bán lan đột biến.
Ngôi nhà ở thị trấn Cầu Giát (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) thuê để giao dịch, tạo nên cơn sốt lan phi điệp đột biến khiến nhiều người bị lừa số tiền lớn. (Ảnh: Đất Việt) |
Lợi dụng cơn sốt lan đột biến trên thị trường với nhiều cuộc giao dịch bị thổi lên với giá hàng chục tỷ đồng, nhóm đối tượng này đã lên mạng xã hội bán lan đột viến kèm theo giấy bảo hành, cam kết cây bán ra chuẩn cây và đúng mặt hoa.
Nhiều người tin tưởng đã chuyển cho nhóm đối tượng hàng trăm triệu đồng để giao dịch. Tuy nhiên, khi nhận cây về chăm sóc, một thời gian sau phát hiện ra mình bị lừa nên đã làm đơn tố cáo gửi cơ quan công an.
Thống kê của Công an huyện Quỳnh Lưu cho thấy, các cuộc giao dịch, mua bán lan đột biến của nhóm đối tượng này lên tới hàng trăm triệu đồng/giao dịch.
Nhưng đây không phải là vụ việc đầu tiên liên quan đến cơn sốt phi điệp đột biến. Trước đó, tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), hàng chục trường hợp đã bị một nhóm đối tượng người Hòa Bình lừa đảo hàng trăm tỷ đồng.
Phương thức của nhóm này rất giống với băng nhóm lừa đảo vừa bị Công an huyện Quỳnh Lưu bắt giữ. Theo đó, để đánh vào lòng tin của khách hàng, những đối tượng này thuê nhà rất hoành tráng để bán lan đột biến, cùng những điều khoản bảo hành chịu trách nhiệm không thể tốt hơn.
Tuy nhiên chỉ sau 2 tuần, tất cả đều bốc hơi không còn một dấu vết. Điều đáng nói, do các giao dịch chủ yếu vào ban đêm, mua bán theo thỏa thuận miệng nên lực lượng chức năng cũng không thể giải quyết được.
Từ thực tế này, lực lượng công an nhiều địa phương đã có văn bản cảnh báo người dân. Đơn cử, Công an tỉnh Bình Phước khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua lan phi điệp đột biến cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua; chủ động phòng, tránh âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng hoạt động kinh doanh cây lan phi điệp đột biến gen nhằm mục đích trục lợi.
Một cuộc giao dịch lan phi điệp đột biến mà giá trị bị thổi lên mức không tưởng. Ảnh: Facebook. |
Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng liên quan đến cơn sốt phi điệp đột biến kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan Công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Tại tỉnh Cao Bằng, cơ quan công an cũng cho biết, đã yêu cầu lực lượng công an các huyện theo dõi về các thương vụ giao dịch lan phi điệp đột biến, nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm sẽ xử lý nghiêm.
Đừng cuốn theo cơn sốt phi điệp đột biến
Thực tế, do không tìm hiểu kỹ thông tin, nhiều người đã phải nếm trái đắng vì lan phi điệp đột biến.
Cuối tháng 7/2020, ông Đoàn Văn Nam (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã làm đơn trình báo lên Công an huyện Phù Ninh về việc ông bị một số đối tượng lừa đảo, mạo danh lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ với số tiền lên đến 2,6 tỷ đồng.
Nhành lan phi điệp đột biến 5 cánh trắng Bảo Duy. Ảnh: Facebook. |
Thời gian qua, xuất hiện rất nhiều những giao dịch “khủng” được dân chơi lan liên tục chia sẻ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội như giao dịch mua - bán Hoa Lan Giã Hạc 5 cánh trắng giá gần 7 tỷ đồng ở Đà Nẵng, Lan Giã Hạc 5 cánh trắng có giá trị 6,8 tỷ đồng từ anh Tuyên Võ ở Bình Thuận.
Gần đây nhất, giới chơi lan lại xôn xao về buổi đấu giá 1 kie lan (mầm con tách ra từ cây mẹ) mang tên Bướm Đại Ngàn được một người chơi ở Bình Dương trả giá 11,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo rất nhiều người trong giới chơi lan nhận định, lan phi điệp đột biến trong tương lai sẽ không còn hiếm bởi loại cây này hoàn toàn có thể được nhân giống bằng cách nuôi cấy mô, tốc độ nhân giống nhanh theo cấp số nhân.
Được biết, Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NNPTNT) chuẩn bị xuất ra thị trường hàng vạn cây lan phi điệp đột biến cấy mô, có đặc tính giống hệt cây mẹ.
PGS.TS Đặng Văn Đông - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc nhân giống bằng nuôi cấy mô (Invitro) không làm thay đổi đặc tính của cây con so với cây mẹ ban đầu, cây con được nhân từ 1 đoạn cành hoặc 1 mô của của cây mẹ, có thể cho ra hàng vạn cây con giữ nguyên hoàn toàn đặc tính của cây mẹ.
Sắp tới, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam cũng sẽ có văn bản chính thức về vấn đề này gửi sang các cơ quan ban ngành liên quan để thông tin tới mọi người hiểu rõ hơn về lan đột biến cấy mô không khác so với lan đột biến nhân giống bằng cách cắt kie.
(Theo Dân Việt)