Nguồn tin cho biết, cơ quan giám sát công nghệ của Trung Quốc muốn ban lãnh đạo Didi rút hoạt động gọi vốn khỏi NYSE vì lo ngại về việc rò rỉ dữ liệu nhạy cảm. Cục Quản lý Không gian mạng Trung Quốc đã chỉ đạo Didi phải đưa ra các chi tiết cụ thể, tuỳ vào sự chấp thuận của chính phủ.
Các đề xuất đối với kế hoạch của Didi đang được xem xét bao gồm: tư nhân hoá hoặc chuyển nhượng cổ phần ở Hong Kong, sau đó là huỷ niêm yết tại Mỹ. Nếu quá trình tư nhân hoá được tiến hành, giá cổ phiếu có thể giao dịch ít nhất là mức 14 USD như đợt sụt giá khi IPO hồi tháng 6. Điều này có thể khiến công ty này đối mặt với những vụ kiện hoặc sự phản đối của cổ đông.
Trong khi đó, nếu Didi thực hiện đợt niêm yết thứ cấp ở Hong Kong, giá cổ phiếu có thể thấp hơn khi giao dịch ở Mỹ (tính đến ngày 24/11) là 8,11 USD. Cả 2 phương án này sẽ giáng một đòn mạnh vào gã khổng lồ ngành gọi xe - vốn thực hiện đợt IPO lớn nhất tại Mỹ đối với 1 công ty Trung Quốc sau Alibaba.
Didi đã đẩy "cơn thịnh nộ" của Bắc Kinh lên cao trào khi tiến hành đợt IPO tại New York vào mùa hè này, bất chấp các yêu cầu từ phía cơ quan quản lý rằng họ phải đảm bảo tính bảo mật đối với dữ liệu trước khi lên sàn. Bloomberg đưa tin hồi tháng 7, các nhà quản lý Trung Quốc đã mở cuộc điều tra đối với công ty này và cân nhắc một số hình phạt chưa từng có.
Có thể, việc huỷ niêm yết chính là hình phạt đối với Didi. Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã đề xuất một khoản đầu tư vào công ty, cho phép doanh nghiệp nhà nước kiểm soát Didi. Theo đó, khoản đầu tư này có thể tài trợ cho việc mua lại cổ phần đang giao dịch tại Mỹ.
Nhà đồng sáng lập Cheng Wei và Chủ tịch Jean Liu là 2 lãnh đạo cấp cao nhất của Didi, họ nắm giữ 58% quyền biểu quyết trong đợt niêm yết tại Mỹ. SoftBank và Uber là 2 cổ đông thiểu số lớn nhất.
Ngay cả khi niêm yết tại Hong Kong, Didi sẽ phải giải quyết những lo ngại về vấn đề bảo mật dữ liệu, vốn được giới chức theo dõi sát sao. Công ty có thể phải chuyển quyền kiểm soát dữ liệu cho một bên thứ 3, điều này lại càng làm cổ phiếu rớt giá.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã cân nhắc việc yêu cầu Didi huỷ niêm yết kể từ mùa hè, sau khi hãng gọi xe lớn nhất thế giới khiến giới chức phẫn nộ khi tiến hành IPO tại Mỹ. Việc Didi ngừng giao dịch tại Mỹ có thể làm dấy lên mối lo ngại về việc các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ ồ ạt bỏ đi, khi Washington và Bắc Kinh tiếp tục mâu thuẫn.
Từng được gọi là Uber của Trung Quốc, Didi giờ đây trở thành một ví dụ cho thấy nỗ lực của chính phủ nước này nhằm kiềm chế sức mạnh của các gã khổng lồ công nghệ. Chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thúc đẩy "thịnh vượng chung". Do đó, họ nhắm mục tiêu đến lĩnh vực công nghệ đã đem về cho các nhà sáng lập khối tài sản khổng lồ, làm giàu cho nhà đầu cả trong và ngoài nước.
Việc tư nhân hoá do nhà nước chỉ đạo sẽ là điều chưa từng có đối với 1 công ty tầm cỡ như Didi. Động thái này khẳng định rằng chính phủ Trung Quốc vấn để ý đến việc giảm bớt quyền lực của các công ty công nghệ và "mở khoá" kho dữ liệu, sự giàu có trong suốt 1 thập kỷ tăng trưởng ấn tượng. Ngoài ra, đây cũng là một tín hiệu xấu đối với nhà đầu tư Mỹ, từ lâu đã quen với việc tự do đầu tư vào các công ty lớn nhất Trung Quốc từ Alibaba, Baidu đến JD.com .
Theo Bloomberg, động thái của Bắc Kinh đối với Didi đặc biệt gay gắt, ngay cả sau đợt trấn áp quy định với Alibaba và Tencent. Tháng 7, Bộ Công an và Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc cùng 1 số cơ quan khác đã tiến hành kiểm tra các văn phòng của Didi, sau khi Cơ quan Quản lý An ninh mạng cho biết quyết định IPO của công ty này là một thách thức với chính quyền.