Ngày 22/11 tới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ tổ chức thương vụ bán vốn của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), hai cổ đông lớn nhất trong số 53 cổ đông tổ chức của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã chứng khoán VCG).
Theo đó, giá khởi điểm được xác định là 21.300 đồng/cổ phiếu. SCIC bán đấu giá 1 lô gồm 254.901.153 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 2.549 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 57,71% vốn điều lệ tại Vinaconex.
Viettel bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần.
Theo kết quả thẩm định năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Vinaconex do Hội đồng thẩm định công bố, có hai nhà đầu tư đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá mua cổ phần của Viettel tại Vinaconex là Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ.
Với giá khởi điểm 21.300 đồng/cổ phần, nhà đầu tư tham gia đấu giá sẽ phải bỏ ra tối thiểu 2.000 tỷ đồng để sở hữu trọn lô cổ phiếu đấu giá. Thời gian thanh toán từ 23/11 đến 29/11/2018.
Theo Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia cho thấy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010, có trụ sở tại số 135 đường Trần Phú, phường Văn Quán, quận Hà Đông, Tp.Hà Nội, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất… Công ty này do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật.
Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản dân tốc Trịnh Văn Bô, người đã góp 1 triệu đồng Đông Dương để thành lập Việt Nam Công thương Ngân hàng có trụ sở tại 58 Tràng Tiền (Hà Nội) vào năm 1946. Ngoài ra, gia đình ông đã quyên góp 2 căn nhà tại số 48 Hàng Ngang làm nơi làm việc của Bác Hồ và 15 người trong Thường vụ Trung ương Đảng thời đó. Sau khi phát động "Tuần lễ vàng", gia đình ông Trịnh Văn Bô thời đó cũng ủng hộ tới 5.147 lượng vàng cho nhà nước.
Mới đây, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex theo quy định pháp luật là 0%.
Cùng với đó, Ủy ban cũng yêu cầu ngay sau khi nhận được thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 0%, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài của VCG trên hệ thông để nhà đầu tư nước ngoài thực hiện giao dịch theo đúng quy định pháp luật.
Như vây, với tỷ lệ room ngoại là 0%, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia mua cổ phần tại hai đợt thoái vốn lớn sắp tới tại Vinaconex.
Ngoài ra, tỷ lệ sở hữu khối ngoại tại Vinaconex đạt 10,88%, tương ứng hơn 48 triệu cổ phiếu. Như vậy, số nhà đầu tư ngoại này cũng sẽ buộc phải bán ra để đáp ứng yêu cầu về tỷ lệ khối ngoại 0%.
Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28% và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%.
Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.