Phở 10 Lý Quốc Sư là thương hiệu phở nổi tiếng Hà Nội từ nhiều năm nay. Xuất hiện từ khoảng năm 2004-2005, hiện thương hiệu này sở hữu và quản lý 3 cửa hàng tại Hà Nội.
Người con Nam Định ra Hà Nội bán phở
Được biết, người khai sinh ra Phở 10 Lý Quốc Sư là vợ chồng ông Phạm Ngọc Lân (SN 1966) và bà Nghiêm Lan Anh (SN 1967). Ông Lân là người Nam Định - quê hương của món phở bò nổi tiếng, còn bà Lan Anh là thiếu nữ Hà Nội.
Hình ảnh hiếm hoi về bà Lan Anh
Theo lời kể của cậu con trai, dù học rất khá nhưng ông Lân không theo học đại học mà đã ra Hà Nội làm đủ các việc khác nhau, từ thợ cắt tóc đến sửa đồng hồ, thợ vàng,...
Ông Lân thuê một ngôi nhà đối diện với nhà bà Lan Anh, cũng là cơ duyên giúp hai người đến với nhau. Hai ông bà tiếp tục với nghiệp bán vàng nhưng sau đó, vì một vài lý do mà dẫn đến phá sản.
Ông Lân - vốn là trụ cột gia đình, vì mất tinh thần mà không thể làm gì suốt gần 2 năm. Nhưng sau đó, người đàn ông này bắt tay làm lại từ đầu, với một đặc sản của quê hương - Phở.
Cũng ít người biết rằng trước khi có được quán Phở 10 Lý Quốc Sư (tại số 10 Lý Quốc Sư) đầu tiên, gia đình này đã phải từ bỏ 2 quán phở chỉ để tìm ra công thức và học hỏi kinh nghiệm. Ông Lân thường xuyên dậy từ 4h sáng chuẩn bị nguyên liệu bán hàng và kết thúc một ngày khi đã nửa đêm.
Cửa hàng Phở 10 Lý Quốc Sư đầu tiên.
Theo lời tự giới thiệu của quán, không giống với các quán phở khác trên các phố với nước dùng chỉ có vị ngọt lợ của mì chính, Phở 10 Lý Quốc Sư được chế biến theo phương pháp nấu phở truyền thống. Nước dùng làm từ nước ninh xương cục, xương ống, xương bò và tuyệt đối không dùng mì chính để tạo vị ngọt giả.
Sau 16 năm, dù có thêm rất nhiều quán phở nổi tiếng khác, thương hiệu cũng bị đạo nhái không ít nhưng Phở 10 Lý Quốc Sư vẫn có vị trí vững chắc trong lòng thực khách.
Thiếu gia duy nhất đi làm… Youtuber
Ông Lân và bà Lan Anh có hai người con: 1 trai, 1 gái. Trong đó, người con trai tên Phạm Ngọc Tân (SN 1993), được nhiều bạn trẻ biết đến với nickname quen thuộc hơn là "Tân Một Cú".
Anh tốt nghiệp ngành Marketing tại RMIT - Đại học có tiếng đắt đỏ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì kế nghiệp gia đình, Ngọc Tân lại theo đuổi đam mê làm Youtuber.
"Ngày đầu tiên mình thông báo cho gia đình thì bố mình rất buồn, không hiểu tại sao mình không làm cho nhà mà đi làm ở ngoài. Nhưng về sau bố mẹ thấy mình có khả năng trong công việc này, tạm thời có những thành tựu nhất định nên cũng tin tưởng hơn, thoải mái hơn. Thậm chí bây giờ mỗi clip của mình chắc chắn sẽ có 2 lượt xem, 1 từ bố và 1 từ mẹ", anh chàng sinh năm 1993 kể trong một bài phỏng vấn.
Phạm Ngọc Tân
Vị thiếu gia hiện là một thành viên chủ chốt của kênh Youtube "Schannel". Schannel sở hữu hơn 2,78 triệu đăng ký, mang nhiều nội dung giải trí, thông tin cho giới trẻ từ ẩm thực, vui chơi đến công nghệ.
Ngoài ra, anh chàng còn sở hữu một kênh Youtube của riêng mình có tên "Tân Một Cú". Với khả năng ăn nói có duyên, Ngọc Tân hiện đã thu hút đến gần 450.000 lượt đăng ký.
Tuy nhiên, trước khi theo nghiệp Youtube, anh cũng tham gia giúp bố mẹ kinh doanh bằng việc.... bưng bê phở không công.
"Mình đi bê phở thì bố mình không trả đồng nào cả, mặc định luôn đây là việc gia đình nên không có lương cho con. Sáng cứ 5h dậy đi bê phở xong 12h về, không lương", Ngọc Tân kể.
Chia sẻ về gia đình, anh cho biết: "Nhìn thấy bố mình cố gắng như vậy, mình cũng học được bài học rất lớn về sức lao động, rằng bỏ ra càng nhiều thì nhận về càng nhiều. Không có chuyện việc nhẹ lương cao.
Nhà ông bà nội ngày xưa cũng nghèo lắm, không để lại cho bố cái gì. Tất cả tài sản bây giờ đều là một tay do bố gây dựng lên. Vì thế mà mình cũng nhận ra bài học nữa, nếu tiền không phải do tự tay làm ra mà lấy tiền của bố mẹ làm điểm tựa thì hoàn toàn vô nghĩa".
Đó là lý do hiện tại anh vẫn đang làm Youtube và chưa về bán phở. Dẫu vậy, anh cho biết nếu một ngày bố mẹ yếu đi hoặc hoàn cảnh bắt buộc thì sẽ về hỗ trợ gia đình.
3 người thừa kế sáng giá của Tập đoàn Tân Hoàng Minh: Trai tài, gái sắc, du học trời Tây về nối nghiệp cha