Báo cáo về thị trường căn hộ khách sạn của CBRE tại Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm cho thấy tình hình hoạt động của thị trường khá ảm đạm trong khi triển vọng cũng khá u ám.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường đã chào đón thêm 866 căn hộ khách sạn phân khúc cao cấp từ đợt chào bán tiếp theo của Wyndham Soleil và Coco Musica, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 8.601 căn. Phân khúc cao cấp chiếm tỷ trọng lớn nhất với 95% tổng nguồn cung.
"So với nguồn cung mới chào bán trong giai đoạn thị trường bùng nổ (năm 2016), thị trường chứng kiến sự giảm tốc nhẹ trong việc chào bán các nguồn cung mới cho thấy sự thận trọng của các chủ đầu trong việc giới thiệu sản phẩm mới", báo cáo của CBRE nhận định.
Hoạt động bán hàng có sự tăng trưởng mặc dù tăng chậm hơn so với các năm trước. Đây là thời gian cho cả nhà đầu tư và người mua hiểu thêm về thị trường và đưa ra quyết định cẩn thận hơn và cũng là cơ hội cho các dự án được thực hiện bởi các chủ đầu tư có uy tín.
Báo cáo của CBRE cũng nêu rõ trong 6 tháng đầu năm 2018, số lượng giao dịch giảm 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kể từ năm 2017, sự giảm tốc này đã được nhìn thấy trong cả hai xu hướng cung và giao dịch cho thấy sự thận trọng từ các chủ đầu tư và người mua sau giai đoạn bùng nổ.
Về nguồn cung tương lai, dự kiến sẽ có thêm hai dự án lớn mở bán chính thức (T&T Twin Tower và Times Square) cùng với những đợt mở bán tiếp theo của Wyndham Soleil và Central Coast, cung cấp cho thị trường khoảng 3.300 căn hộ KS mới. Với các đợt mở bán này, thị trường kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động mua bán nhộn nhịp hơn.
Thống kê của CBRE cũng cho thấy, hơn 6.500 căn hộ KS mới đang được xây dựng và lên kế hoạch, kỳ vọng được mở bán đến năm 2019. Bên cạnh đó, một lượng lớn các dự án đã được chào bán sẽ hoàn thiện và đi vào hoạt động trong năm 2019 (khoảng 6.800 căn). Kết quả hoạt động của các dự án này sẽ phần nào ảnh hưởng đến hoạt động mua bán của thị trường căn hộ khách sạn trong thời gian sắp đến.
Được biết, sau một thời gian tăng trưởng nóng hiện nay với nguồn cung quá nhiều cùng với tính pháp lý chưa ổn định căn hộ condotel đang có dấu hiệu chững lại ở tất cả các thị trường lớn như Đà Nẵng, Nha Trang...
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho rằng bất động sản nghỉ dưỡng đang tồn tại nhiều vướng mắc khiến khách hàng và các nhà đầu tư lo ngại, trước hết là về tính pháp lý.
"Hiện pháp lý của mô hình condotel chưa rõ ràng, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khách hàng và nhà đầu tư. Theo đó, loại hình bất động sản này vẫn chưa được pháp luật công nhận và cấp sổ đỏ khiến khách hàng lo ngại về rủi ro khi quyết định đầu tư căn hộ", ông Đính cho biết.
Bên cạnh đó, theo ông Đính, sau giai đoạn phát triển nóng, giá bán các sản phẩm condotel trên thị trường hiện đang được đẩy lên quá cao, có những căn lên đến 70 - 80 triệu đồng/m2nên kén khách hơn và không phù hợp với nhà đầu tư lướt sóng.
"Trong khi đó, thực tế trên thị trường bất động sản thời gian vừa qua, nhiều chủ đầu tư thiếu uy tín đã không thực hiện đúng cam kết lợi nhuận với khách hàng dẫn đến các nhà đầu tư mất niềm tin vào thị trường", ông Đính nhấn mạnh.
Còn theo ông Michael Piro, Giám đốc điều hành Indochina Capital Corporation cho rằng, cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy. Ông Michael Piro cũng cho rằng cam kết lợi nhuận đầu tư condotel lên tới 8-12% là không tưởng, không ai trên thế giới dám đưa ra cam kết như vậy.
"Theo kinh nghiệm của chúng tôi, đạt được mức lợi nhuận như vậy là vô cùng khó. Các nhà đầu tư và người mua nước ngoài đã bắt đầu cảm nhận được rõ những rủi ro của việc cam kết lợi nhuận cao và bắt đầu từ chối các giao dịch trên cơ sở này", ông Michael Piro nói.