UBND TP. Đà Nẵng vừa có văn bản giao Sở Xây dựng rà soát, hoàn thiện kế hoạch chấn chỉnh tình trạng một số tổ chức, cá nhân, đối tượng môi giới, “cò đất” đã sử dụng nhiều chiêu trò, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bất an trong dư luận, trình UBND thành phố để báo cáo Thường trực Thành ủy.
Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, công bố các dự án nào đủ điều kiện mở bán cho người dân, gửi thông tin đến các quận, huyện và các phòng công chứng, văn phòng công chứng để người dân được biết.
Đáng chú ý trong văn bản này, UBND TP.Đà Nẵng đề nghị Công an thành phố khẩn trương xử lý các trường hợp tung tin đồn thất thiệt, bịa đặt thông tin không đúng sự thật nhằm gây “sốt” giá đất để trục lợi và sớm đưa ra xét xử công khai; phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xử lý các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật trên mạng xã hội.
UBND thành phố cũng giao Sở Tư pháp khẩn trương nghiên cứu giải pháp để kiểm tra, xử phạt nghiêm các trường hợp gây thất thu thuế Nhà nước. Giao UBND các quận, huyện tăng cường kiểm soát và cung cấp đẩy đủ thông tin cho người dân để tránh rủi ro trong quá trình mua bán bất động sản.
Liên quan đến vấn đề này, đầu tháng 4/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính về việc "sốt" giá đất ở Đà Nẵng và Quảng Nam báo chí phản ánh thời gian vừa qua.
Theo đó, trước việc báo chí phản ánh, giá đất nền đang “sốt” tại TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP.Đà Nẵng, UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính có biện pháp để ổn định thị trường đất đai, ổn định tâm lý của người dân, tránh nguy cơ "vỡ trận" như các báo phản ánh
Báo chí đã phản ánh giá đất nền ở Đà Nẵng và Quảng Nam tăng "chóng mặt", tại nhiều quán cà phê vỉa hè thường xuyên râm ran chuyện giá đất tăng tiền tỷ. Trong khi đó, trên các trang mạng xã hội về mua bán bất động sản nhà đất ở Đà Nẵng việc chào mời, rao bán cũng rộn ràng với nhiều hình thức mời chào, kêu gọi đầu tư.
Trước tình trạng “cơn sốt” đất nền lan rộng, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã phải ban hành văn bản để cảnh báo người dân về tình trạng này.
Theo Sở Xây dựng, hiện vẫn còn tình trạng các tổ chức, cá nhân thực hiện việc giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản khi chưa đảm bảo các điều kiện theo quy định. Việc làm nay đã ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, có khả năng phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, ảnh hưởng đến trật tự xã hội trên địa bàn thành phố.
Do đó, Sở Xây dựng lưu ý các cá nhân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại và các dự án phát triển đô thị trên địa bàn thành phố khi thực hiện giao dịch mua bán, hợp đồng đặt cọc giữ chỗ để mua nhà ở hình thành trong tương lai hoặc đất nền trong các dự án phát triển đô thị cần phải tham khảo đầy đủ các quy định pháp luật về nhà ở, pháp luật dân sự trước khi thực hiện các giao dịch để tránh các thiệt hại có thể xảy ra.
Thậm chí để dập “sốt” đất, Sở Xây dựng Đà Nẵng còn đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo lực lượng chức năng địa phương kiểm tra xử lý tháo dỡ các ki-ốt không đảm bảo đúng theo quy định nằm trên địa bàn phụ trách và báo cáo kết quả xử lý về UBND thành phố.