Cơ quan công an đã xác minh, điều tra 63 tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức xây dựng công trình sai phép, không phép; môi giới chuyển nhượng đất, bán công trình vi phạm xây dựng hoặc bảo kê xây nhà trái phép...
Sở Xây dựng TP.HCM vừa báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện Chỉ thị số 23/CT/TU ngày 25/7/2019 (Chỉ thị 23) của Ban Thường vụ Thành uỷ về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn.
Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 23, từ tháng 7/2019 đến tháng 12/2020, trên địa bàn Thành phố có 1.568 công trình vi phạm xây dựng, bình quân 3 vụ/ngày, tỷ lệ giảm 64,7% so với trước khi ban hành chỉ thị.
Tính riêng trong năm 2020, TP.HCM có 793 công trình vi phạm trật tự xây dựng, giảm 6,4 vụ/ngày, tương ứng mức giảm 75,3% so với bình quân số vụ vi phạm trước khi ban hành chỉ thị.
Chính quyền địa phương dựng bảng cảnh báo khu vực công trình xây dựng sai phép tại TP.HCM. |
Về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý vi phạm hành chính về hoạt động xây dựng, Sở Tư pháp đề xuất UBND TP.HCM bổ sung nhiều nội dung trong cưỡng chế quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Trong đó, đề xuất hình thức ngưng cung cấp điện, cấp nước cho công trình vi phạm. Dù đề xuất này đã được Chính phủ trình Quốc hội tuy nhiên đến nay chưa được thông qua.
Về quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức tham gia hoạt động xây dựng, cơ quan chức năng đã xác định các tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức thi công xây dựng công trình sai phép, không phép, môi giới chuyển nhượng đất, bán các công trình vi phạm xây dựng.
Công an TP.HCM và các quận – huyện đã xác minh, điều tra, củng cố hồ sơ các đối tượng có hành vi môi giới, chuyển nhượng đất, bán công trình vi phạm xây dựng hoặc bảo kê xây dựng trái phép.
Cụ thể, tại TP.Thủ Đức có 5 đối tượng; huyện Bình Chánh có 38 đối tượng và huyện Hóc Môn có 4 đối tượng.
UBND Q.Bình Thạnh đã rà soát 16 tổ chức, cá nhân thường xuyên tổ chức xây dựng công trình sai phép, không phép; môi giới chuyển nhượng đất, bán các công trình vi phạm xây dựng; Giao Công an Q.Bình Thạnh nắm bắt các đối tượng đầu nậu, lợi dụng kẽ hở của pháp luật gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn.
Theo ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, thời gian qua, tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất không phù hợp quy hoạch ở các huyện ngoại thành vẫn phức tạp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình này chưa dứt điểm, kéo dài, dẫn đến các công trình xây dựng hoàn tất, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong công tác quản lý vi phạm hành chính.
“Biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với chủ đầu tư công trình vi phạm là hết sức cần thiết. Điều này hạn chế thấp nhất việc tiếp tục thi công, phát sinh diện tích vi phạm mới, thực hiện các giao dịch mua – bán, tặng – cho, gây khó khăn khi xử lý vi phạm hành chính. Nhưng hiện nay pháp luật không quy định về áp dụng biện pháp này”, Phó Giám đốc Sở Xây dựng nêu lên mặt hạn chế.
Phương Anh Linh - Hồ Văn