Động thái lớn của Mỹ trong cải thiện quan hệ với Trung Quốc
Theo Bloomberg, việc phóng thích bà Mạnh - người bị bắt đúng vào ngày Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (năm 2018) - mở đường cho mối quan hệ tốt hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người ở phương Tây lại coi đó là "phần thưởng" cho điều mà các nhà phê bình gọi là "ngoại giao con tin" của Bắc Kinh.
Bà Mạnh Vãn Chu đã bay trở lại Trung Quốc từ Vancouver, Canada ngay sau khi đạt thỏa thuận với phía Mỹ. Ngay sau đó, 2 công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor, những người bị tạm giữ chỉ vài ngày kể từ sau khi bà Mạnh bị bắt vào tháng 12/2018, cũng đã được thả và bay trở lại quê nhà.
Thỏa thuận thả bà Mạnh Vãn Chu được đưa ra 2 tuần sau khi Tổng thống Joe Biden điện đàm với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, thể hiện thất vọng về động thái của Bắc Kinh trong việc "liên kết các vấn đề về biến đổi khí hậu với các yêu cầu khác, bao gồm việc thả bà Mạnh cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thuế quan nhằm vào Trung Quốc". Ưu tiên nổi bật của Chính quyền Joe Biden là chống biến đổi khí hậu trong khi Trung Quốc yêu cầu thả bà Mạnh và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thuế quan nhằm vào nước này.
Trung Quốc cũng nói rằng Mỹ đã thực hiện bước đi đầu tiên để cải thiện mối quan hệ. Thực tế, thỏa thuận thả bà Mạnh Vãn Chu là động thái lớn nhất của Mỹ trong nhiều năm nhằm làm dịu mối quan hệ với Bắc Kinh sau loạt động thái cứng rắn được cả lưỡng đảng Mỹ ủng hộ. Dù một loạt vấn đề vẫn chưa được giải quyết nhưng dù sao, trở ngại lớn nhất với tương lai hợp tác Mỹ - Trung đã không còn.
Henry Wang Huiyao, Chủ tịch và nhà sáng lập của nhóm nghiên cứu chính sách tại Trung tâm Toàn cầu hóa và Trung Quốc, trụ sở tại Bắc Kinh, nói rằng: "Đây là động thái rất quan trọng và tượng trưng cho một khởi đầu mới trong mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Tiếp theo, chắc chắn có thể là hợp tác về chống biến đổi khí hậu và thuế quan".
Toàn cảnh vụ việc chấn động quan hệ Mỹ - Trung
Bà Mạnh Vãn Chu bị bắt tháng 12/2018 tại Canada, cùng ngày Tổng thống Mỹ khi đó, ông Donald Trump có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Sự việc đã làm rung chuyển giới tinh hoa ở Bắc Kinh. Bà Mạnh, CFO tập đoàn Huawei, cũng chính là con gái nhà sáng lập Nhậm Chính Phi, công ty đi đầu trong nỗ lực của ông Tập Cận Bình nhằm giúp Trung Quốc tự chủ về công nghệ chiến lược.
Trung Quốc coi vụ việc là nỗi xỉ nhục quốc gia và nhanh chóng bắt giữ 2 công dân Canada với cáo buộc đe dọa an ninh quốc gia. Bắc Kinh liên tục nói rằng việc bắt bà Mạnh là động cơ chính trị trong khi khẳng định việc bắt 2 công dân Canada là tuân thủ phát luật.
Phương Tây thì mô tả hành động của Trung Quốc là gây áp lực với việc thả bà Mạnh. Cuộc đối đầu gây thiệt hại thương mại hàng tỷ USD và khiến cho mối quan hệ Canada – Trung Quốc tụt xuống mức tồi tệ nhất nhiều thập kỷ.
Bà Mạnh được thả sau khi đạt thỏa thuận với Mỹ. CFO Huawei từ chối nhận tội nhưng thừa nhận "trách nhiệm trong việc cung cấp sai lệch thông tin cho một tổ chức tài chính toàn cầu". Người phụ nữ này được phóng thích và 2 công dân Canada cũng ngay lập tức được thả và lên máy bay trở về nước.
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, nhận định: "Có dấu hiệu cho thấy hai bên không còn muốn leo thang căng thẳng nữa. Tuy nhiên, cũng không có dấu hiệu cho thấy căng thẳng có thể hạ nhiệt. Hai bên đang cố gắng giải tỏa căng thẳng nhưng điều này có thể diễn ra trong một thời gian dài".
Đối với Trung Quốc, ngoài sự xúc phạm khi một nhân vật cấp cao bị bắt giữ, vụ việc còn có ý nghĩa nghiêm trọng khi nó cho thấy Mỹ có thể đơn phương ban bố các biện pháp trừng phạt với đối thủ và sau đó ngăn chặn các nước khác tiến hành những hoạt động kinh doanh bình thường. Ngoài ra, Trung Quốc chuẩn bị thông qua luật mà trong đó có thể buộc các doanh nghiệp phải "chọn bên" trong mối quan hệ với Mỹ.
Hiện tại, phía Mỹ đã đình chỉ việc điều tra bà Mạnh sau thỏa thuận nhận tội. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thì tránh đề cập tới CFO của Huawei nhưng hoan nghênh động thái của Trung Quốc khi phóng thích 2 người Canada sau hơn 2 năm "giam giữ tùy tiện".
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, một người Cộng hòa ở bang Tennessee và là cựu Đại sứ Mỹ tại Nhật Bản, đã lên tiếng chỉ trích. Ông Hagerty cho rằng Chính quyền Biden đã lùi bước khi đối mặt với "chính sách ngoại giao con tin" của Trung Quốc.
Thực tế, Bắc Kinh luôn bác bỏ cáo buộc "ngoại giao con tin" và gọi chúng là "hoàn toàn vô căn cứ". Trung Quốc luôn nói rằng bất cứ ai không tuân thủ pháp luật nước này đều nên lo ngại về nguy cơ bị bắt giữ. Tuy nhiên, định nghĩa của Trung Quốc về cái gọi là "an ninh quốc gia" đang ngày càng rộng và làm tăng rủi ro cho doanh nghiệp nước ngoài.
Thời gian gần đây, nhiều công dân nước ngoài bị bắt ở Trung Quốc vì những cáo buộc này. Cheng Lei, công dân Australia làm việc cho một hãng truyền thông Trung Quốc, đã bị giam giữ từ tháng 8/2020 vì những lo ngại về an ninh quốc gia. Haze Fan, một công dân Trung Quốc làm việc cho Bloomberg, cũng bị tạm giữ vì tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.
Tuy nhiên, các nhóm kinh doanh đang hoan nghênh cách giải quyết thông qua ngoại giao hiện tại. Ngay cả khi gánh chịu những thiệt hại lâu dài, giới kinh doanh vẫn kỳ vọng mối quan hệ giữa các nước sẽ trở nên tốt hơn, giúp công việc làm ăn của họ thuận lợi hơn trong tương lai và có thể trở lại như trước khi sóng gió nổi lên.