Công chức không được nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào
Khoản 2 Điều 22 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 nghiêm cấm công chức nhận quà Tết của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc công tác thuộc phạm vi quản lý của mình dù là trực tiếp hay gián tiếp dưới mọi hình thức.
Quy định này cũng cấm công chức tự mình hoặc thông qua người thân (vợ, chồng, con, cha, mẹ...) nhận quà tặng của người khác (do cấm nhận dưới mọi hình thức dù trực tiếp hay gián tiếp).
Tết Nguyên đán năm nay, Ban Chấp hành Trung ương Đảng nghiêm cấm công chức tổ chức thăm, chúc Tết cấp trên, lãnh đạo các cấp, nghiêm cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức.
Căn cứ khoản 2 Điều 10 Quy định 205 năm 2019, có thể xem việc tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là dịp lễ Tết để tặng quà, tiền, bất động sản để nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi là một trong những biểu hiện của hành vi chạy chức, chạy quyền.
Không chỉ vậy, công chức nhận quà tặng còn là biểu hiện của hành vi tham nhũng nêu tại khoản 1 Điều 3 Luật phòng, chống tham nhũng 2018. Người có hành vi tham nhũng, dù giữ bất kỳ chức vụ, vị trí công tác nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh dù cho đã nghỉ việc, về hưu hay đã chuyển công tác.
Tuỳ vào mức độ, hành vi cũng như tính chất của việc tham nhũng, công chức có thể bị kỷ luật hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội nhận hối lộ nêu tại Điều 354 Bộ luật Hình sự với mức án cao nhất là tử hình.
Công chức phải trả lại quà thế nào để không bị xem là tham nhũng?
Công chức nếu nhận được quà từ những người có liên quan đến công việc hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình buộc phải từ chối.
Nếu không từ chối được, quà tặng phải nộp lại cho Thủ trưởng cơ quan trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quà tặng. Khi đó, quà tặng sẽ được xử lý quà tặng theo quy định tại Điều 27 Nghị định 59/2019/NĐ-CP.
Với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá trị, Thủ trưởng cơ quan sẽ tiếp nhận, bảo quản và nộp vào ngân sách Nhà nước.
Nếu quà tặng là hiện vật, Thủ trưởng cơ quan tiếp nhận, bảo quản, xử lý theo các bước được quy định. Đầu tiên, quà tặng phải được xác định giá trị theo giá tiền người tặng cung cấp hoặc theo sản phẩm tương tự có trên thị trường.
Trường hợp không xác định được giá trị, Thủ trưởng phải yêu cầu và quà tặng phải được cơ quan có chức năng xác định giá. Sau đó, món quà sẽ được bán công khai và số tiền thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bán.
Với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, Thủ trưởng cơ quan thông báo các cơ quan cung cấp dịch vụ về việc người được nhận quà tặng sẽ không sử dụng dịch vụ.
Còn nếu quà tặng là động thực vật, thực phẩm tươi sống, căn cứ tình hình thực tế, Thủ trưởng có thể xử lý tang vật hoặc báo cáo để cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
Như vậy, để không bị coi là tham nhũng thì công chức phải từ chối quà tặng. Nếu không từ chối được thì phải nộp lại quà tặng trong thời gian 05 ngày kể từ ngày nhận quà cho Thủ trưởng cơ quan để tuỳ vào từng loại quà tặng khác nhau. Biện pháp xử lý cụ thể sẽ được Thủ trưởng cơ quan quyết định như phân tích trên.