Công đoàn sở hữu hơn 40% công ty
CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) hiện nằm trong top 200 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam. Doanh thu đạt gần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng năm ngoái.
Những người lao động cũng đang là chủ sở hữu lớn nhất tại Rạng Đông, họ vừa làm thuê, vừa làm chủ và hưởng thành quả cho công ty mình tạo ra.
Rạng Đông hầu như không thay đổi vốn điều lệ kể từ khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán, đây là yếu tố quan trọng khiến tỷ lệ sở hữu của Công đoàn gần như không thay đổi, luôn ở mức trên 40%. Bất chấp trong giai đoạn này, cổ đông Nhà nước đã thoái hết vốn từ ngưỡng 51% về 0% năm 2015.
Nhưng cơ cấu cổ đông của Rạng Đông có thể sẽ chứng kiến sự biến động lớn. Công ty này đang có kế hoạch phát hành thêm 11 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tỷ lệ 91,1%). Mục đích của việc tăng vốn này là chuẩn bị nguồn lực đầu tư dự án nhà máy mới tại Hòa Lạc, tổng mức đầu tư lên tới 2.700 tỷ đồng.
Sẽ không có gì đáng nói nếu giá cổ phiếu Rạng Đông không ở mức cao ngất ngưởng, xấp xỉ 200.000 đồng mỗi đơn vị như hiện tại.
Một trong những điều kiện về giá bán là không được thấp hơn 65% trung bình giá 20 phiên giao dịch liên tiếp trước ngày quyết định phương án, đồng thời không được thấp hơn 110.000 đồng/cp.
Rạng Đông xác định thu về tối thiểu 1.210 tỷ đồng từ thương vụ phát hành này. Trong đó, cổ đông lớn nhất là Công đoàn Rạng Đông sẽ phải bỏ ra ít nhất 500 tỷ đồng nếu quyết định mua. Đây là số tiền không hề nhỏ.
Nhiều ý kiến tỏ băn khoăn về khả năng Công đoàn Rạng Đông huy động được số tiền này khi đây là tổ chức được tập hợp bởi những người lao động công ty và để có sự nhất trí của nhiều người không phải chuyện đơn giản,
Trong trường hợp Công đoàn Rạng Đông không sẵn sàng mua thêm, tỷ lệ sở hữu của nhóm này có thể bị pha loãng. Đây có thể xem là điều đáng tiếc bởi Rạng Đông nằm trong số những doanh nghiệp tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả cao và đang có kế hoạch mở rộng lớn. Vấn đề này có lẽ người lao động Rạng Đông nắm rõ hơn cả.
Cấu trúc Công đoàn Rạng Đông đã được hình thành thế nào?
Rạng Đông là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam và ở Đông Dương sản xuất bóng đèn phích nước.
Vậy cấu trúc cổ đông Rạng Đông được hình thành thế nào, vì sao Công đoàn là trở thành cổ đông lớn nhất của công ty như thời điểm hiện tại?
Quay trở lại quá khứ, Rạng Đông là thương hiệu sản xuất bóng đèn, phích nước nổi tiếng, có lịch sử 63 năm.
Một trong những sự kiện quan trọng nhất của Rạng Đông là khi công ty này chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước sang mô hình công ty cổ phần.
Năm 2004, Rạng Đông có vốn điều lệ hơn 79 tỷ đồng, cán bộ công nhân viên của công ty được mua cổ phần với giá ưu đãi 7.000 đồng/cp, giá sàn 10.000 đồng/cp, trong khi giá trị thường lên tới 142.000 đồng/cp. Nhờ có sẵn số tiền thưởng hàng năm cho công ty vay, mọi công nhân đều đã mua hết số cổ phần được mua, nắm giữ hơn 40% doanh nghiệp từ thời điểm đó.
Năm 2004, Nhà nước vẫn còn nắm chi phối 51% tại Rạng Đông. Đến năm 2006, sở hữu của Nhà nước tại công ty giảm xuống 21% (thông qua SCIC) và thoái vốn toàn bộ vào tháng 9/2015.
Năm 2007, khi giá cổ phiếu RAL đạt đỉnh, không ít cổ đông là cán bộ nhân viên muốn bán cổ phần hiện thực hóa lợi nhuận. Đây là điều có thể ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Rạng Đông. Giải pháp đưa ra lúc đó là Công ty sẽ gom lại cổ phiếu khi người lao động bán ra và giao cho Công đoàn là cổ đông tập thể đại diện sở hữu của người lao động. Công đoàn được tổ chức như một loại hình "quỹ đầu tư", nhưng chỉ có điều danh mục nắm giữ duy nhất cổ phiếu RAL.
Với việc nhận cổ tức đều đặn hàng năm, Công đoàn Rạng Đông có nguồn thu tương đối lớn và thưởng cho cán bộ nhân viên tùy theo đóng góp của họ.
Theo tính toán, từ năm 2007, Công đoàn đã nhận về trên 220 tỷ đồng tiền cổ tức trên tổng mức chi trả gần 560 tỷ đồng.
Trong một báo cáo, Rạng Đông cho biết mức cổ tức từ cổ phiếu Công đoàn bình quân hơn 7 triệu đồng/người/năm.
Tăng vốn lần đầu sau 14 năm
Sau 14 năm giữ nguyên mức vốn điều lệ ở 115 tỷ đồng, đầu năm nay, Rạng Đông đã phát hành 575.000 cổ phiếu ESOP, tương ứng 5% số cổ phiếu lưu hành.
Đi cùng kế hoạch phát hành cho cổ đông hiện hữu trình tại ĐHĐCĐ sắp tới, Rạng Đông cũng muốn phát hành thêm 600.000 cổ phiếu ESOP. Cổ phiếu ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm, nhưng đây là phần thưởng không hề nhỏ về mặt giá trị dành cho người lao động.
Sử dụng mức thị giá trên sàn, lượng cổ phiếu ESOP đã và có kế hoạch chia trị giá khoảng 230 tỷ đồng.
Quay trở lại câu hỏi liệu Công đoàn Rạng Đông có sẵn sàng chi ra số tiền tối thiểu 500 tỷ đồng mua cổ phiếu Rạng Đông phát hành mới không? Điều này xem ra khó khăn.
Nhưng Công đoàn Rạng Đông cũng có thể lựa chọn việc bán quyền mua cho các nhà đầu tư khác hứng thú và chấp nhận giảm tỷ lệ sở hữu xuống.
Kề từ năm 2005, cả doanh thu và lợi nhuận của Rạng Đông đã gấp 10 lần, trong khi vốn điều lệ gần như không thay đổi. Cơ cấu cổ đông Công đoàn rất đặc biệt liệu có phải là một trong những yếu tố quan trọng nên sự thành công này?