Trong tập 5 Shark Tank Việt Nam, xuất hiện startup với tên gọi Tokai - hoạt động theo mô hình mua lại các căn "nhà ma" tại Nhật Bản rồi cho thuê. Startup này do Hà Cảnh, một người đã có 5 năm sống, làm việc trong lĩnh vực bất động sản tại Nhật, lập ra.
Hà Cảnh kêu gọi 12 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần. Về vấn đề kinh doanh, founder này nhắm vào đối tượng người Việt Nam tại Nhật, cam kết lợi tức cho thuê có thể đạt 25%/năm. Cụ thể hơn, nếu chi 4,5 tỷ đồng mua nhà, lợi nhuận thu về 1,2 tỷ đồng/năm, chưa đầy 4 năm là hoàn đủ vốn.
Tuy nhiên ngay sau khi lên sóng, mô hình Tokai đã bị nhiều người Việt tại Nhật lên tiếng chỉ trích là "quá phi lý".
Sự phi lý trước hết đến từ mức lợi tức "trong mơ", lên tới 25%/năm. Thậm chí Shark Hưng, một người đã từng có 20 nằm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản còn phải thốt lên "đây là con số không thị trường BĐS nào trên thế giới có thể đạt được".
Với kinh nghiệm 6 năm làm BĐS tại Nhật, một CEO khác cũng cho rằng con số 10% lợi nhuận đã là "quá mơ ước rồi". Bản thân anh, còn chưa dám tính đến con số 12,5% nữa là gấp đôi, vì các loại thuế, phí tại Nhật không hề ít.
Điểm phi lý thứ 2 nằm ở mức giá mua nhà. Trong chương trình, Hà Cảnh khẳng định có thể mua nhà với mức giá 4 tỷ đồng, nằm ở khu vực các tuyến tàu gần trung tâm. Thậm chí theo chia sẻ, một căn ngay gần ga nơi cô sống gồm "2 phòng, không cần tu sửa, cực kỳ mới, diện tích 85m2 chỉ khoảng 6 tỷ đồng".
Shark Dzung Nguyễn , người có 4 năm sống ở Nhật cũng cho rằng không thể nào tìm nhà khoảng 4 tỷ ở gần trung tâm. Mỗi căn sẽ có giá từ 0,5 triệu USD (hơn 11 tỷ) đến 1 triệu USD, còn không nhà chỉ bé và cũ.
Dĩ nhiên không chỉ Shark Dũng mà nhiều người Việt tại Nhật cũng có chung nhận định này.
(6000man tương đương hơn 12 tỷ đồng)
Thứ ba là mức giá cho thuê: 100 triệu đồng/tháng đối với căn nhà có giá 4,5 tỷ đồng. Nếu nhắm vào đối tượng người Việt tại Nhật thì sẽ không hợp lý, vì đối tượng này chủ yếu là người lao động hoặc du học sinh. Những người như vậy không sẵn lòng trả vài chục triệu đồng/tháng tiền nhà, trừ khi họ có những hoạt động lao động trái luật.
Trường hợp vẫn muốn để mức thuê cao và nhắm vào đối tượng khách hàng du học sinh hoặc lao động, chỉ có cách là "nhồi nhét" vài người, thậm chí vài chục người vào cùng một cái nhà. Chưa kể đó chỉ có thể là những căn nhà nhỏ, chật chội.
Ngoài ra còn một chi tiết cũng được nhiều người cho là phi lý: lãi suất ngân hàng 0,02%. Trong khi một người Nhật công việc ổn định, mua nhà trả góp thì lãi suất đã rơi vào từ 0,45%-4%.
Những điểm vô ý trên khiến không ít khán giả đặt câu hỏi: Mô hình Tokai liệu có chắc chắn như những gì bản thân Hà Cảnh cam kết trên truyền hình?