Làm còng lưng, thu nhập vẫn thấp
“Lúa và cây ăn trái là 2 ngành hàng chủ lực của ĐTM. Trong giai đoạn 1985 – 2015, diện tích gieo trồng lúa tăng trung bình 2,5 lần, sản lượng lúa tăng 5,5 lần. Đây là 1 trong 2 tiểu vùng có tốc độ tăng trưởng cao nhất về diện tích gieo trồng và sản lượng lúa ở ĐBSCL, nhưng sự phát triển này hiện nay không mang lại sự gia tăng về lợi nhuận và thu nhập cho nông dân” - TS Nhân nêu nghịch lý.
Ông Trương Hữu Trí - Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Tân Hưng, kiêm Giám đốc HTX Gò Gòn (xã Hưng Thạnh, Tân Hưng, Long An) cho biết, thời gian qua thu nhập từ lúa của bà con nông dân khá bấp bênh. “Nhiều nông dân làm cả ha lúa, sau một năm vật vã tính lại thu nhập chẳng là bao, thậm chí lỗ luôn” - ông Trí chia sẻ.
Trong khi đó, diện tích cây ăn trái, như: Xoài, nhãn, khóm… không thay đổi nhiều. Chỉ có huyện Đức Huệ và Thủ Thừa (Long An) là tăng diện tích cây chanh.
Dù tiểu vùng ĐTM phát triển đã “đụng trần” nhưng lợi nhuận trong sản xuất lúa không gia tăng. Ảnh: Nông dân thu hoạch lúa tại huyện Thạnh Hóa, Long An. ảnh: Trần Đáng
Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi ở ĐTM, bò, lợn và gia cầm là chủ yếu. Nhìn chung số lượng gia cầm và lợn trong 6 năm qua không thay đổi và có chiều hướng giảm. Trong khi đó, đàn bò tăng trung bình 6%/năm. Giá trị ngành chăn nuôi ở tiểu vùng ĐTM chiếm khoảng 9% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp, thấp hơn trung bình của 3 tỉnh trên và ĐBSCL (khoảng 12%).
Về ngành nuôi trồng thủy sản ở ĐTM chủ yếu là cá tra, cá đồng và tôm càng xanh. Diện tích gần như ổn định trong khi sản lượng tăng lên do thâm canh. Giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 15% trong giá trị ngành nông nghiệp, thấp hơn so với trung bình của 3 tỉnh (19%) và ĐBSCL (31%).
Ông Lê Văn Được – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhìn nhận, đời sống của bà con nông dân ở ĐTM hiện nay khá thấp do sự cạnh tranh của nông sản còn yếu nên chưa mang lại lợi nhuận cao cho nông dân.
Liên kết để phá “trần”
Tiểu vùng ĐTM có diện tích khoảng 730.000ha, chiếm 70% diện tích tự nhiên của 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp. Đây là vùng trũng với 42% diện tích là đất phèn; đất nông nghiệp chiếm 78%, trong đó chủ yếu là đất lúa, dịch vụ nông nghiệp chiếm tỷ trọng thấp. |
Theo GS - TS Võ Tòng Xuân - Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, tăng trưởng kinh tế của tiểu vùng ĐTM hiện vẫn còn chậm và chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, nhất là trong khai thác sản xuất nông nghiệp và thương mại, dịch vụ. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi vẫn còn mang tính tự phát. Do đó, các địa phương phải ngồi lại với nhau để bàn bạc về cách phát triển ĐTM trong thời gian tới.
Đồng quan điểm này, ông Lê Viết Bình – Trưởng đại diện Bộ NNPTNT cũng cho rằng, để phá “trần” đưa ĐTM bay cao, tiểu vùng ĐTM cần tăng cường liên danh, liên kết trong đầu tư sản xuất, khai thác có hiệu quả vùng nguyên liệu nông, thủy sản cho chế biến; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, nông dân kết nối với các nhà phân phối sản phẩm, hình thành chuỗi cung ứng và tiêu thụ nông sản.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đồng ý giao tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với 2 tỉnh Tiền Giang, Long An xây dựng đề án phát triển bền vững ĐTM với sự liên kết của TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Thanh Đức - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, tiểu vùng ĐTM kết nối với TP.HCM bằng hệ thống giao thông thủy, bộ để phát triển là xu hướng tất yếu. Các tỉnh cũng phải cam kết sản xuất hàng hóa nông sản theo hướng sạch để cung cấp cho thị trường TP.HCM và cần được sự hỗ trợ ngược lại để phát triển về du lịch vùng. /.