Hiện có 176 mạng 5G thương mại trên toàn cầu, phục vụ hơn 500 triệu thuê bao. Trong lĩnh vực tiêu dùng, tốc độ tải xuống trung bình của 5G nhanh hơn khoảng 10 lần so với 4G, điều này thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi hơn trong các ứng dụng như thực tế ảo VR và phát sóng trực tuyến 360 độ.
Ông Ken Hu - Chủ tịch luân phiên của Huawei chia sẻ: “Sau 5 năm triển khai thương mại, 5G nâng cấp đáng kể trải nghiệm di động cho người dùng. Tiến độ này nhanh hơn nhiều so với mong đợi, đặc biệt về số lượng thuê bao, vùng phủ sóng và số lượng thiết bị đầu cuối 5G trên thị trường”.
Ngoài ra, 5G cũng tạo ra thay đổi mang tính cách mạng ở nhiều ngành công nghiệp. Hiện nay, có 10.000 dự án khai thác các ứng dụng B2B của 5G (5GtoB) trên thế giới. Các ứng dụng 5G trong những ngành công nghiệp như sản xuất, khai thác mỏ và cảng qua giai đoạn thử nghiệm và đang được nhân rộng trên quy mô lớn. Hiện tại, hơn một nửa trong số 10.000 dự án 5GtoB ở Trung Quốc.
Một số xu hướng đang tác động lớn tới ngành công nghệ thông tin và truyền thông như chuyển đổi số tăng tốc do đại dịch gây ra, đám mây và AI trở thành thứ cần phải có với tất cả tổ chức, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng hơn.
Chủ tịch luân phiên Huawei Ken Hu cho rằng 5G phát triển trên toàn cầu nhanh hơn kỳ vọng
Chủ tịch luân phiên của Huawei cho rằng để đón đầu, cần chuẩn bị mạng lưới, thiết bị và nội dung sẵn sàng cho sự phát triển bùng nổ trong Thực tế mở rộng (XR). Theo đó, để trải nghiệm XR dựa trên đám mây mượt mà, các mạng lưới cần cung cấp tốc độ tải xuống nhanh hơn 4,6 Gbit/s với độ trễ không lớn hơn 10 mili giây.
Về mặt thiết bị, để Thực tế mở rộng của AR, VR và MR phổ biến hơn, cần cải tiến tai nghe nhỏ, nhẹ hơn và giá tốt hơn. Để làm phong phú thêm hệ sinh thái nội dung, các nền tảng và công cụ đám mây là bắt buộc bởi việc phát triển nội dung vốn rất khó khăn và tốn kém.
Để sẵn sàng cho 5GtoB, các nhà mạng viễn thông cần tăng cường các trạm phát, mạng lưới cùng kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng tối ưu. Chuyển đổi số trong viễn thông cũng rất quan trọng bởi ngoài việc cung cấp kết nối, các nhà mạng có thể đóng vai trò là nhà cung cấp dịch vụ đám mây, tích hợp hệ thống. Để thúc đẩy việc ứng dụng 5G rộng rãi hơn trong các ngành công nghiệp, việc phát triển các tiêu chuẩn viễn thông dành riêng cho ngành cũng rất quan trọng.
Tại Trung Quốc, nhà mạng và các đối tác trong ngành bắt đầu làm việc về các tiêu chuẩn để ứng dụng 5G trong các ngành như khai thác than, thép và năng lượng số. “Công nghệ là thế mạnh vô hình sẽ không mang lại lợi nhuận lập tức, nhưng sẽ là chìa khóa cho khả năng cạnh tranh lâu dài trên thị trường 5GtoB”, ông Ken Hu nhấn mạnh.
5G giúp thay đổi bộ mặt nhiều ngành công nghiệp
Ngoài ra, 5G và công nghệ số giúp các ngành công nghiệp phát triển theo hướng xanh. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, đến năm 2030, số hoá có thể giúp giảm ít nhất 15% lượng khí thải carbon toàn cầu.
Đại diện Huawei chia sẻ công ty đang sử dụng các vật liệu và thuật toán mới để giảm mức tiêu thụ điện năng của các sản phẩm. “Chúng tôi tu sửa các trạm phát sóng, tối ưu hóa việc quản lý điện năng trong các trung tâm dữ liệu để đạt hiệu quả cao hơn”, Chủ tịch luân phiên Ken Hu nói.