Cần minh bạch thông tin về sản phẩm
TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho rằng, để người tiêu dùng đón nhận sản phẩm nông nghiệp cần phải quan tâm tới vấn đề minh bạch thông tin. Do người tiêu dùng chưa hiểu rõ sản phẩm, biết rõ nguồn gốc nên mới dẫn đến thực trạng sản phẩm tốt vẫn không thể tiêu thụ được. Khi các nhà sản xuất hợp tác với nhau và mọi thông tin về sản phẩm được minh bạch, lòng tin của người tiêu dùng về sản phẩm sẽ tăng lên.
"Vấn đề đầu tiên là cần hợp tác với nhau. Vấn đề thứ hai là minh bạch thông tin trong cả chuỗi giá trị. Các tác nhân tham gia chuỗi giá trị cũng cần ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc... Tuy nhiên, minh bạch thông tin là phương tiện. Vấn đề với nông dân là nội dung thông tin để đưa vào cơ sở dữ liệu. Nếu người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc mà nội dung nghèo nàn, không có thông tin gì thì sẽ có tác dụng ngược, càng làm mất lòng tin" – ông Đào Thế Anh nói.
Thực tế, những sản phẩm sạch và được nhà sản xuất minh bạch thông tin đều được tiêu thụ rất tốt. Theo ông Đào Thế Anh, nếu như trước đây nhưng nhà sản xuất nông nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm chất lượng cao thì này tình hình đã thay đổi. Giao đoạn 2014-2017 số lượng siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại đã gia tăng mạnh, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM. Điều này dẫn đến tình trạng sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch không đủ để bán. Nhiều siêu thị còn phải "tranh nhau" để ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với hộ nông dân.
Blockchain là một giải pháp?
Vũ Trường Ca, nhà sáng lập công ty cổ phần công nghệ Lina Network khẳng định, công nghệ blockchain có thể giải quyết vấn đề minh bạch thông tin trong việc sản xuất sản phẩm nông nghiệp.
"Blockchain được nhắc đến nhiều qua Bitcoin. Nhưng đó chỉ là một ứng dụng nhỏ của công nghệ này. Khi áp dụng trong chuỗi cung ứng thì khách hàng có thể cập nhật ngay các thông tin liên quan đến sản phẩm. Chi phí truy xuất nguồn gốc cũng giảm rất mạnh, thậm chí có thể là 0 đồng. Bởi lẽ chi phí cho bộ giải pháp này không tăng theo số lượng đơn vị sử dụng" – ông Vũ Trường Ca nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn chập chững trong việc áp dụng công nghệ để tăng cường minh bạch thông tin.
"Chúng ta hiểu về chuỗi giá trị chưa rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhất vào chuỗi cũng chưa có nhiều thành tựu. Chuỗi giá trị cần phải minh bạch thông tin. Làm sao để người khác biết rõ về sản phẩm, có thực sự sản xuất đúng quy trình hay không có chất hóa học hay không? Nếu không làm được việc này, tất cả đều bị tiêu diệt, cả người tốt lẫn người xấu" – ông Nguyễn Đức Thành khẳng định.
Theo ông Nguyễn Đức Thành, khi truy xuất nguồn gốc rõ ràng thì người sản xuất sản phẩm tốt mới tồn tại được. Họ sẽ tiếp tục phát huy và như vậy nông nghiệp mới nâng được giá trị. Qua đó, cả chuỗi giá trị mới phát triển và phần lợi ích mà người Việt Nam được hưởng sẽ cao hơn.
Tuy nhiên, những vướng mắc hiện nay có thể lại không đến từ vấn đề công nghệ. Bởi lẽ công nghệ hiện đã có sẵn, doanh nghiệp cũng nhạy bén trong việc ứng dụng.
"Truy xuất nguồn gốc mới làm được phần nhỏ. Đại đa số là sản phẩm không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm có nguồn gốc cũng chưa có giá trị cao. Như vậy, công nghệ giúp giảm chi phí truy xuất nguồn gốc,... Bất cập hiện nay là Việt Nam đi sau và chỉ có cách sử dụng công nghệ. Nhưng để ứng dụng lên toàn bộ nền nông nghiệp thì sẽ gặp phải nhiều vấn đề, vướng vào nhiều vấn đề liên quan tới thể chế, đất đai, tổ chức hiệp hội, tổ chức sản xuất" – ông Nguyễn Đức Thành đánh giá.