Khi thế giới ngày càng ưa chuộng các phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, xe điện đang dần trở thành xu thế. Hàng loạt các nhà sản xuất ô tô lớn như Tesla, Ford, Volkswagen, Porsche bày tỏ rõ tham vọng trong lĩnh vực này khi công bố kế hoạch các mẫu xe điện mới trong những năm tới. VinFast còn tiết lộ kế hoạch ngừng sản xuất xe xăng từ cuối năm 2022 để tập trung sản xuất xe điện.
Việc ứng dụng blockchain trong sản xuất xe điện là một vấn đề được các hãng quan tâm trong bối cảnh giao thông và năng lượng đang ngày càng thay đổi.
Về cốt lõi, blockchain là một sổ cái kỹ thuật số giúp phân tán lưu trữ dữ liệu dưới bất kỳ hình thức nào. Mặc dù bất kỳ cơ sở dữ liệu thông thường nào cũng có thể lưu trữ loại thông tin này, tuy nhiên blockchain là duy nhất bởi nó hoàn toàn phi tập trung. Nhiều bản sao giống hệt nhau của cơ sở dữ liệu blockchain có thể được lưu giữ trên nhiều máy tính.
Công nghệ blockchain tạo ra rất nhiều lợi ích về mặt kinh tế. Theo một nghiên cứu của Công ty kiểm toán PwC, blockchain có tiềm năng thúc đẩy GDP toàn cầu thêm 1,76 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới.
Một trong những ngành được PwC đánh giá rất tiềm năng trong việc ứng dụng công nghệ blockchain chính là ngành sản xuất, trong đó có vận tải. Trong hệ sinh thái các dịch vụ vận tải, chủ sở hữu xe, nhà cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất xe là ba chủ thể trọng tâm. Các ứng dụng của Blockchain tác động trực tiếp đến cả ba chủ thể này. Blockchain giúp đảm bảo tính chính xác của dữ liệu cơ bản, giúp thực hiện các giao dịch và thanh toán tự động một cách an toàn, ít sai sót.
Để bắt kịp xu hướng đó, một loạt các nhà sản xuất ô tô lớn đã ứng dụng công nghệ blockchain vào quy trình sản xuất của họ.
Tính minh bạch của chuỗi cung ứng là một vấn đề lớn trong nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả lĩnh vực ô tô. Các ông lớn trong lĩnh vực xe điện như Tesla, Ford, Volvo và Mercedes đã ứng dụng blockchain vào việc truy xuất nguồn gốc thành phần pin xe điện, từ đó đảm bảo sản phẩm của họ có nguồn gốc đảm bảo các tiêu chuẩn đạo đức. Thành phần được truy xuất chính ở đây là cobalt, một thành phần phần được khai thác chủ yếu ở Cộng hòa Dân chủ Congo - nơi được đánh giá là còn tồn tại tình trạng bóc lột lao động.
Cũng trong vấn đề chuỗi cung ứng, trong tương lai Volkswagen sẽ áp dụng blockchain trong việc theo dõi chúng từ nơi xuất xứ đến nhà máy. Lợi thế của blockchain là tất cả mọi người đều hoạt động trên một hệ thống. Điều này tạo ra một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số chung cho phép trao đổi thông tin minh bạch. “Số hóa cho phép chúng tôi theo dõi đường đi của nguyên liệu trong chuỗi cung ứng xuyên biên giới một cách chi tiết hơn bao giờ hết”, Marco Philippi, trưởng nhóm Chiến lược Mua sắm của Volkswagen, nhận xét.
BMW, Ford còn áp dụng blockchain trong việc làm "giấy khai sinh" cho các phương tiện. Sáng kiến này tập trung vào việc phát triển các công nghệ có thể theo dõi một chiếc xe trong quá trình sản xuất và thậm chí cả thời điểm chiếc xe đổi chủ, lịch sử bảo dưỡng, hồ sơ về quãng đường và mọi hư hỏng trong quá khứ. Do "giấy khai sinh" phương tiện giúp giảm sự bất cân xứng thông tin giữa các đối tượng tham gia thị trường như người mua, cơ quan quản lý và công ty bảo hiểm, nó giúp giảm thiểu gian lận trong thị trường xe đã qua sử dụng.
Ở Việt Nam, công nghệ blockchain được VinFast ứng dụng trong toàn bộ quy trình mua hàng từ đặt cọc, thanh toán và cuối cùng là sở hữu phương tiện, giúp tăng tính minh bạch, bảo mật. Cổng thanh toán trực tuyến của Vinfast US ngoài hỗ trợ các ví điện tử và thẻ thanh toán quốc tế thông thường, nó còn cho phép liên kết với các ví blockchain như Metamask, coin98 wallet,… Cuối cùng, sau khi mua hàng, khách hàng sẽ nhận được thẻ chứng nhận là khách hàng tiên phong bằng hình thức NFT.