Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), môi giới bất động sản ở Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, đội ngũ này đã làm tốt nhiệm vụ kết nối cung - cầu, định hướng giúp các nhà phát triển bất động sản tạo thị trường mới, sản phẩm mới phù hợp với xu thế thị trường và nhu cầu của khách hàng.
Theo thống kê của VARS, lực lượng môi giới bất động sản Việt Nam hiện đạt tới 200.000 người hoạt động trong các công ty môi giới, sàn giao dịch hoặc độc lập. Hàng năm, các môi giới kết nối thành công hàng vạn sản phẩm từ các đơn vị phát triển dự án đến người tiêu dùng. Riêng năm 2018, cả nước có trên 100.000 giao dịch thành công.
Mặc dù môi giới đóng một vai trò quan trọng trên thị trường bất động sản tuy nhiên, không phủ nhận rằng một số lượng rất lớn người hành nghề môi giới hiện nay chưa qua các khóa đào tạo kiến thức hành nghề để trang bị nền tảng kiến thức căn bản phục vụ cho công việc; phần lớn trong số chưa có chứng chỉ hành nghề.
Trong số 200.000 môi giới hiện nay, có 50% nhà môi giới chuyên nghiệp, hoạt động thường xuyên tại các sàn. Phần còn lại đa số là nghiệp dư, trong đó có những người "tay ngang" chuyển nghề khi thị trường bất động sản tăng nóng, không được đào tạo, không được kiểm soát và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người mua và bán. Đây là thực trạng đáng báo động nhất hiện nay và chắc chắn là nguyên nhân căn bản khiến cho thị trường bất động sản phát triển kém bền vững do môi giới thiếu kiến thức và kém hiểu biết về pháp luật.
"Các nhà môi giới khi tham gia thị trường bất động sản cần có chứng chỉ hành nghề, có kiến thức chuyên môn và các kỹ năng, tiêu chuẩn nhất định. Đây cũng là yếu tố tạo nên sự khác biệt giữa các nhà môi giới chuyên nghiệp và nghiệp dư. Một môi giới đúng nghĩa cần có đủ khả năng tư vấn toàn diện và đáng tin cậy cho nhu cầu của từng khách hàng", ông Đính khẳng định.
Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng cho biết thêm, các giao dịch bất động sản hiện nay không bắt buộc phải thông qua Sàn giao dịch hoặc đơn vị trung gian có chức năng kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản. Nhà môi giới ít khi xuất hiện trên các văn bản, hồ sơ giao dịch bất động sản vì pháp luật không quy định bắt buộc. Thế nên, khi có tranh chấp xảy ra họ có thể "cao chạy xa bay" mà không phải gánh hậu quả pháp lý gì khi tư vấn sai. Chính vì thế, ông Đính cho biết cần có những giải pháp để chuẩn chất lượng cho môi giới.
Cùng quan điểm với ông đính, các chuyên gia cũng cho rằng sự phát triển nhanh của lĩnh vực môi giới bất động sản đặt ra những yêu cầu cấp thiết trong việc chuẩn hóa và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động này, đặc biệt trong thời đại bùng nổ cách mạng công nghệ 4.0. Ngày nay, khách hàng dễ dàng tiếp cận thông tin với dự án hơn, dễ dàng tìm đến các kênh bán hàng online hơn là chỉ chờ đợi vào sự tư vấn của môi giới truyền thống.
"Nhu cầu và thói quen tiêu dùng của người mua bất động sản cũng đang thay đổi theo chiều hướng ngày một khắt khe hơn. Trong bối cảnh này, không chỉ sàn môi giới mà ngay cả doanh nghiệp bất động sản cũng phải kịp thời tái cấu trúc sản phẩm và ứng dụng khoa học công nghệ nếu muốn dẫn dắt và tham gia cuộc chơi lâu dài", ông Nguyễn Văn Minh - Phó chủ tịch Sunshine Tech nhận định.
Được biết, trên thị trường bất động sản hiện nay, nhiều sàn môi giới đang đẩy mạnh chất lượng tư vấn, chất lượng dịch vụ bằng các ứng dụng thông minh như Cenhomes của Tập đoàn Cengroup, Housemap của DKRA Việt Nam....Đặc biệt, theo tiết lộ, trong tháng 12 này một siêu ứng dụng tích hợp của một ông lớn trên thị trường BĐS sẽ tạo cú đột phá trên thị trường.