Đại dịch Covid-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch, không còn con đường nào khác- buộc doanh nghiệp phải đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo.
Số liệu thống kê được Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vừa đưa ra cho thấy, chỉ trong 9 tháng của năm 2020, có khoảng 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, với khoảng 18 triệu lao động mất việc làm. Đại dịch Covid-19 bùng phát đã và đang tác động đến nhiều mặt của đời sống, kinh tế-xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại toàn cầu, nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã phải thu hẹp quy mô sản xuất và cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động.
Tuy vậy, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cho hay, trong bối cảnh này, vẫn có 99.000 doanh nghiệp thành lập mới, và đa số là các doanh ngiệp khoa học công nghệ hoặc doanh nghiệp có ứng dụng các nền tảng của khoa học công nghệ trong hoạt động. Điều này cho thấy, Covid-19 đã làm thay đổi quy mô, phương thức và cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp như nhận định của ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ông Thân cho hay: "Số doanh nghiệp mới thành lập cao hơn so với số đóng cửa - thì đây cũng là tín hiệu mừng, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới chủ yếu là doanh nghiệp dựa trên nền tảng KHCN và ứng dụng KHCN... Qua nghiên cứu thì chúng tôi cũng thấy nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp đóng cửa là do không đổi mới phương thức hoạt động, trong khi đó, với những doanh nghiệp chủ động ứng dụng KHCN thì tỷ lệ tồn tại là rất cao, thậm chí có những doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội để làm ăn có lãi rất nhiều".
Minh chứng cho nhận định, đổi mới sáng tạo dựa trên khoa học và công nghệ và cải cách quy định hành chính được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp “vực dậy” trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Lê Xuân Định khẳng định: "Trong bối cảnh dịch Covid-19 nhiều doanh nghiệp đã cho thấy tính chủ động và năng lực đổi mới, nhanh chóng nghiên cứu và triển khai nhiều ứng dụng công nghệ để tăng khả năng tiếp cận khách hàng, thay đổi phương thức kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm phù hợp với điều kiện thực tế. Điển hình như việc nghiên cứu đầu tư dây chuyền sản xuất các thiết bị y tế, các sản phẩm chế phẩm sinh học phục vụ cho công tác phòng, chống dịch…
Đây cũng là năng lực công nghệ tự sinh của Việt Nam trong bối cảnh và điều kiện hoàn toàn mới. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và sẽ là yếu tố quyết định cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn sắp tới".
"Nếu như trước đây tỷ lệ đầu tư cho KHCN giữa nhà nước và doanh nghiệp là 70-30, tức là 70% đầu tư cho KHCN từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đầu tư 30%... thì nay tỷ lệ này đã là 50-50. Doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư nhiều hơn cho KHCN và tỷ lệ này chắc chắn trong thời gian tới sẽ còn tiếp tục cao hơn" - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Lê Xuân Định nhấn mạnh.
Cũng theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay và việc tham gia các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP…, yếu tố cạnh tranh lại càng trở nên khốc liệt. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam vừa phải tiết giảm chi phí, vừa phải nâng cao hiệu quả hoạt động để đảm bảo duy trì vận hành tối thiểu. Và để làm được điều này doanh nghiệp buộc phải nỗ lực đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu khách hàng, đồng thời tăng năng suất, hiệu quả hoạt động. Có nhiều nhân tố tác động đến quá trình tăng năng suất, chất lượng, trong đó có vai trò quyết định của đổi mới công nghệ, áp dụng đổi mới sáng tạo trong thiết kế sản phẩm, quy trình sản xuất, quản lý quá trình…
Các chuyên gia cũng đồng tình quan điểm, hiện nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện vẫn chưa đủ kỹ năng để có thể tận dụng cơ hội chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Do đó, cần thêm nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đến từ các bộ, ngành, các tổ chức, hiệp hội… từ đó, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, nhằm vượt qua đại dịch.