Cho đến nay đã có nhiều nước xây dựng chiến lược phát triển và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (FIR) với các tên gọi khác nhau như: “Industry 4.0” của Đức; “Liên minh Internet công nghiệp” của Mỹ; “iKorea 4.0” của Hàn Quốc; “Made in China 2025” của Trung Quốc; “Kết nối mạng với các nhà máy” của Nhật Bản… Việt Nam sẽ không để lỡ nhịp với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần này. Đảng, Nhà nước, các bộ ngành của Việt Nam đã sẵn sàng đón nhận FIR một cách chủ động, tích cực.
(Ảnh minh họa: KT)
|
Từ xác định mục tiêu…
Theo giới quan sát, FIR của CHLB Đức lấy mục tiêu phát triển công nghiệp làm trọng tâm (Industry 4.0), Nhật Bản hướng tới Xã hội 5.0 lấy con người làm trung tâm (Society 5.0), Hàn Quốc hướng tới Kinh tế sáng tạo (Creative Economy), Trung Quốc với mục tiêu sản xuất sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu quốc gia (Made in China), Singapore hướng tới Quốc gia thông minh (Smart Nation),…
Đối với Việt Nam, dù xuất phát điểm thấp nhưng có tiềm năng và cơ hội lớn, chúng ta cần có chiến lược phù hợp dựa trên chính nhu cầu và điều kiện trong nước để hưởng lợi tối đa từ cuộc cách mạng mới và phát triển bền vững. Theo giới phân tích, Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội cũng như thách thức do FIR mang lại.
Để tận dụng được cơ hội, vượt qua thách thức, Việt Nam cần xây dựng Chiến lược FIR, theo đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, nhất là những nước có nền kinh tế tương đồng. Vấn đề đặt ra là bài học kinh nghiệm nào cho việc xây dựng chiến lược phát triển “đi tắt, đón đầu” của Việt Nam đang là câu hỏi lớn.
Đối với Việt Nam, cơ hội đầu tư, phát triển các ngành mới hình thành nhờ FIR sẽ chiếm vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng. Công cụ sản xuất chính sẽ là máy móc có kết nối thông minh hơn (siêu trí tuệ - SI; trí thông minh tổng quát – GI; Blockchain, Fitech... Tư liệu sản xuất chính là dữ liệu, lao động trí tuệ, nếu có chiến lược đào tạo tốt Việt Nam sẽ có lợi thế so sánh.
Mặt khác, Việt Nam chưa qua khỏi các cuộc Cách mạng công nghiệp trước đó, khiến năng suất và thu nhập thấp. Song, hiện nay, nhận thức về FIR đã gia tăng nhanh chóng cả trong giới lãnh đạo, quản lý nhà nước, doanh nghiệp và công dân, nên Việt Nam cần nỗ lực để tiếp cận công nghệ của FIR. Có chuyên gia cho rằng: Việt Nam phải xác định: “bây giờ hoặc không bao giờ” để trở thành nước phát triển, văn minh, hiện đại.
Đến nội dung chiến lược…
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng thách thức đối với Việt Nam vẫn rất lớn. Đó là, cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn, nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cả về công nghệ lẫn sản phẩm tiêu dùng vẫn hiện hữu. Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu vốn đầu tư để nâng cấp công nghệ. Nguồn lao động dù dồi dào song vẫn thiếu lực lượng đủ trình độ để tiếp nhận, làm chủ và sáng tạo công nghệ.
Thách thức lớn nhất là hệ thống thể chế kém linh hoạt, hành lang pháp lý chưa đủ rõ ràng, hạn chế sự sáng tạo… Trong bối cảnh đó Việt Nam cần sớm đề xuất chính sách mới để bắt kịp FIR. Qua đó, tạo bước đột phá về công nghệ, năng suất và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Bộ Chính trị đã có kế hoạch đưa ra Nghị quyết đặc biệt về FIR để cung cấp các định hướng chiến lược, Chính phủ cũng có kế hoạch ban hành Chiến lược quốc gia về FIR nhằm cung cấp cho các hành động chiến lược và khung pháp lý để thực hiện.
Từ kinh nghiệm Đài Loan cho thấy, để khai thác tối đa cơ hội sẵn có, họ đã xác định những ngành có tính chiến lược để tập trung đầu tư, dựa trên đánh giá về cơ hội thị trường, đóng góp cho GDP của đất nước, mức độ thúc đẩy công nghệ mới… Theo đó, “Điều quan trọng nhất là với mỗi ngành công nghiệp ưu tiên và kế hoạch thực hiện phải có ngân sách thực sự minh bạch, công khai cho người dân biết để cùng giám sát”.
Tại Singapore, đã thành lập cơ quan cấp quốc gia về trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm chia sẻ những chương trình hành động của mình với các cơ quan khác để thúc đẩy vận hành trí tuệ thông minh. Singapore còn tạo điều kiện để mọi người dân được tiếp cận, hiểu về AI một cách bài bản. Singapore có chương trình dạy miễn phí cho 10.000 người, cung cấp những kiến thức từ cơ bản tới nâng cao liên quan tới AI. Những buổi học đã diễn ra từ đầu tháng 9/2018 đến năm 2021.
Và lựa chọn hướng đầu tư…Cố vấn FIR cho Scotland, Canada và EU Indy Johar cho rằng, ứng dụng FIR sẽ mở ra những chìa khóa để khai thác được đổi mới sáng tạo. Song, cần cân nhắc xem phần công việc nào do con người làm và phần công việc nào do máy móc đảm nhận, tức là cần có trí thông minh nhân tạo. Trước đây sử dụng con người làm nhân công thì bây giờ phải lấy con người làm giá trị thặng dư và đổi mới sáng tạo. Chính phủ sẽ phải đi đầu trong quá trình đổi mới sáng tạo này.
Các chuyên gia cho rằng, để tận dụng tối đa cơ hội, vượt qua thách thức mà FIR mang lại, Chính phủ phải giữ vai trò dẫn dắt. Đồng thời, cần xác định các ngành ưu tiên để tập trung phát triển; coi trọng số liệu là tài sản công; phải huy động sự tham gia của thành phân kinh tế tư nhân trong các trung tâm công nghệ; và đào tạo được nguồn lao động công nghệ cao…
Yếu tố chủ chốt là xây dựng chiến lược chuyển đổi số và triển khai các lĩnh vực đột phá như cải cách thể chế, đẩy mạnh chính phủ điện tử, phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp… FIR tạo ra nhiều cơ hội và thách thức, chỉ có tận dụng cơ hội mới vượt qua thách thức. Chỉ có chủ động áp dụng, xây dựng môi trường kinh doanh đón đầu thì mới vượt qua thách thức.
Giới phân tích nhận định, FIR là xu thế tất yếu và diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Chính vì vậy, nhiều quốc gia đã lựa chọn được cách tiếp cận của mình. Dù từ cách tiếp cận nào thì các quốc gia đều phải dựa vào nền tảng là sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Qua khảo sát của Strategy & PwC với 235 công ty công nghiệp có trụ sở tại Đức cho thấy, FIR chiếm hơn 50% số vốn đầu tư hoạch định cho kế hoạch 5 năm. Nghĩa là tổng vốn đầu tư cho FIR của nước này có thể lên đến 40 tỷ Euro/năm cho đến 2020. Nếu các nước châu Âu khác cũng đầu tư tương tự thì tổng vốn đầu tư của EU có thể lên đến 140 tỷ Euro/năm.
Theo khảo sát của Business Insider, 75% doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nhất toàn cầu đang và sẽ thay thế nhân công bằng robot. Foxconn là tập đoàn gia công chính cho Apple, Google, Amazon đã thay 60.000 nhân công bằng robot. Tập đoàn bán lẻ Walmart, với 2,1 triệu nhân công, muốn thay thế những nhân viên kiểm và giao hàng bằng các máy bay không người lái.
Một công ty công nghệ ở Trung Quốc sau khi sử dụng robot, đã giảm số nhân công từ 650 xuống còn 60 và nay còn 20 người. Bởi năng suất của robot gần gấp 3 lần con người, tỷ lệ sản phẩm hỏng chỉ còn dưới 5% so với 25% trước đó.
Đối với Việt Nam, FIR cũng đang mang lại cơ hội cho nền kinh tế số, sản xuất, dịch vụ thông minh. Năm 2007 số người sử dụng Internet chỉ là 17,7 triệu người, sau 10 năm con số này đã tăng lên mức 64 triệu (67% dân số). Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử dụng mạng Internet đông nhất thế giới. Các doanh nghiệp viễn thông, Internet ở Việt Nam đã đạt mức doanh thu 6,1 tỷ USD, góp phần tạo ra hơn 851.000 việc làm cho xã hội.
Tuy nhiên, về hạ tầng số (thiết bị, kết nối, dữ liệu, ứng dụng và nhân lực), Việt Nam mới đang ở trình độ trung bình thế giới. Chỉ số phát triển chính phủ điện tử Việt Nam chỉ xếp thứ 89/193 quốc gia; xếp thứ 48/100 về cấu trúc của nền sản xuất và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Năng lực cạnh tranh đạt mức 55/137 quốc gia. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu ở vị trí 45/126 quốc gia. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam đạt được tính đến năm 2018.
Như vậy, để thực hiện chủ trương phát triển đất nước nhanh và bền vững như Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nêu ra. Việc tiếp cận và ứng dụng FIR có hiệu quả là nhu cầu tất yếu khách quan và cấp bách. Vì thế, Việt Nam cần sớm triển khai xây dựng chiến lược “đi tắt, đón đầu” với các bước đi phù hợp trong bối cảnh FIR đang lan tỏa hết sức mạnh mẽ./.