Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả

16/08/2022 15:33
Đổi mới công nghệ, tiếp cận nguồn nhân lực và nguồn vốn là những đòi hỏi cấp thiết cho công nghiệp chế biến, chế tạo để phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn được đánh giá là ngành có nhiều triển vọng. Tính từ đầu năm đến hết tháng 7, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã đạt trên 15,41 tỷ USD, bằng 92,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính riêng trong tháng 6 và 7/2022, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục xu hướng giảm so với các tháng trước đó, chủ yếu do sự sụt giảm về kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện. Đồng thời, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như xơ, sợi dệt các loại; gỗ và các sản phẩm gỗ; giầy dép các loại; dây điện và cáp điện… cũng giảm.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả - Ảnh 1.

Kim ngạch xuất khẩu một số nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng giảm những tháng gần đây.

Cho rằng sự đóng góp của các DN công nghiệp chế biến, chế tạo vào GDP vẫn còn khiêm tốn, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chỉ ra, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng, chủ yếu bằng sức lao động trong khi hàm lượng chất xám không nhiều.

“Đặc thù của ngành công nghiệp này yêu cầu tập trung vốn và công nghệ, nhưng đây lại là 2 điểm yếu của DN Việt Nam, do quy mô vừa và nhỏ cùng hạn chế về nguồn lực. Điều đó khiến năng lực phát triển và đáp ứng yêu cầu trong chuỗi giá trị toàn cầu hạn chế”, bà Hương phân tích.

Ngoài ra, theo bà Hương, đối với các DN nói chung, khi tham gia FTA các dòng thuế sẽ giảm về mức 0-5%. Tuy nhiên, với DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhất là DN điện tử, việc hưởng mức thuế suất này đã có trước khi Việt Nam tham gia FTA nên tác động không lớn khi xuất khẩu ra nước ngoài.

Theo chia sẻ của ông Phạm Minh Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất chất lượng (PNQ Solutions Co., Ltd.), đại dịch Covid-19 đã phơi bày các lỗ hổng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu. Giờ đây, các DN mà đặc biệt là các DN chế biến, chế tạo phải suy nghĩ lại về tính linh hoạt và hiệu quả cao hơn ở cấp độ tổng thể của chuỗi cung ứng. “Đối mặt với những thách thức chưa từng có đó, chuyển đổi tinh gọn không chỉ là một lựa chọn cho các nhà sản xuất, đó là vấn đề mang tính quyết định sự “tồn tại” trong tương lai của các DN”, ông Thắng chỉ rõ.

Chính sách không chỉ nằm trên giấy tờ

Để giúp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam nắm bắt được những cơ hội phát triển bền vững hơn, ông Huỳnh Trung Hiếu, đại diện Công ty Delta - nhà tư vấn và cung cấp giải pháp toàn cầu cho rằng, sau đại dịch, các ngành sản xuất của Việt Nam cần thay đổi nhanh chóng với nhu cầu ngày càng cao về IOT, robot để giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất. DN cần định hướng về tự động hóa công nghiệp cho các nhà máy, đáp ứng nhiều quy mô sản xuất khác nhau với quy trình sản xuất tinh gọn và hiệu quả thiết thực.

“Các DN cần cải thiện năng suất với hệ sinh thái hoàn chỉnh về cả phần cứng và phần mềm, thông qua công nghệ tự động hóa tiên tiến và các giải pháp sản xuất thông minh. Sự tinh gọn trong sản xuất, độ bền cũng như độ tin cậy về các cấu kiện công nghiệp trong dây chuyền quản lý sản xuất là một trong những yếu tố thiết yếu”, ông Hiếu nói.

Công nghiệp chế biến, chế tạo cần những “cú hích” hiệu quả - Ảnh 2.

Doanh nghiệp chế biến, chế tạo cần giảm chi phí nhân công, tiết kiệm năng lượng và tối ưu hóa chi phí sản xuất.

Cơ hội để phát triển đối với công nghiệp chế biến, chế tạo là rất lớn, song theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Đỗ Thị Thúy Hương, việc nắm bắt được cơ hội hay không vẫn phụ thuộc năng lực của DN và cơ chế chính sách. Hiện Chính phủ đã gần như “mở toang” các cơ chế hỗ trợ cho DN hoạt động, bản thân DN phải nâng cao năng lực nhưng các DN vẫn trông chờ các chính sách thực sự đi vào đời sống không chỉ nằm trên giấy tờ.

“DN rất cần sự hỗ trợ của nhà nước trước hết ở việc đào tạo nguồn nhân lực. Hiện các DN rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo do đây là ngành khắc nghiệt, đòi hỏi trình độ kiến thức cao, trong khi thu nhập chưa chắc đã hấp dẫn so với các lĩnh vực khác. Về tài chính, các DN cần ngay chính sách hỗ trợ tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng cũng như các nguồn đầu tư từ các tổ chức tài chính trong nước và ngoài nước cũng như các thiết chế tài chính khác”, bà Hương đề xuất.

Bên cạnh đó theo bà Hương, DN còn mong muốn được hỗ trợ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tiếp nhận công nghệ. Dù Chính phủ đã có Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia nhưng lại có quá nhiều quy định, cơ chế “bó chân” DN. Nhiều DN dù thực sự có nhu cầu đổi mới công nghệ nhưng rất khó tiếp cận chính sách này.

Đồng thời, các DN cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục chính sách thu hút FDI có chọn lọc; đồng thời đưa ra điều kiện cơ bản để các DN FDI có sự lan toả, tạo nhiều cơ hội cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng ở vị trí công nghệ cao hơn, ở những “mắt xích” then chốt hơn.

Tin mới

Mở bán vàng nhẫn không giới hạn, cửa hàng vẫn bất ngờ vắng khách
9 giờ trước
Giá vàng nhẫn sáng nay giảm mạnh, các cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông (Hà Nội) mở bán không giới hạn nhưng không khí giao dịch lại bất ngờ trầm lắng.
Campuchia vừa đạt dấu mốc quan trọng, một ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có thêm đối thủ cạnh tranh
8 giờ trước
Lãnh đạo Campuchia gọi đây là “sự kiện trọng đại”.
Giá vàng tăng sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế hàng Trung Quốc
8 giờ trước
Hôm nay (26/11), giá vàng ổn định sau khi giảm 3% trong phiên trước. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn sau khi ông Trump tuyên bố áp thuế tất cả hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc.
Mặt hàng tỉ USD của Việt Nam bất ngờ có kỳ tích mới: Sở hữu giá bán đắt đỏ nhất thế giới, gần 160 quốc gia, vùng lãnh thổ săn đón
7 giờ trước
Giá gạo Việt Nam duy trì mức cao nhất thế giới, vượt qua các quốc gia xuất khẩu lớn.
iPhone 17 Pro bất ngờ lộ diện với thiết kế mới hoàn toàn?
6 giờ trước
Theo The Information, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max sẽ có thiết kế mới, đánh dấu bước ngoặt trong dòng sản phẩm cao cấp của Apple.

Tin cùng chuyên mục

Giá USD hôm nay 26/11: Đồng loạt giảm, tỷ giá "chợ đen" vẫn tăng
13 giờ trước
Giá USD hôm nay 26/11 trên thế giới và trong nước tiếp tục giảm. Tuy nhiên, giá USD ngân hàng bán vẫn sát giá trần được ngân hàng nhà nước cho phép. Trong khi đó, tỷ giá "chợ đen" tăng 90 đồng mỗi chiều.
App gọi xe nhỏ chật vật tìm đường sống
2 ngày trước
Dù nỗ lực bám trụ thị trường nhưng các ứng dụng gọi xe nhỏ lẻ vẫn khó có cơ hội bứt phá
Xe Trung Quốc ở Việt Nam lúc này: Dè dặt xe điện, chuyển hướng bán hybrid, xe xăng
3 ngày trước
Trước hàng loạt thách thức ở thị trường Việt Nam, xe điện Trung Quốc dường như đã không bùng nổ như kỳ vọng, thậm chí có xu hướng "dè dặt" hơn trong việc ra mắt. Thay vào đó, các hãng lại tỏ ra ưu ái xe đốt trong hơn khi đã và sắp ra những mẫu mới sử dụng động cơ xăng hoặc hybrid.
Giá USD hôm nay 23/11: Tăng không ngừng, tỷ giá "chợ đen" đảo chiều giảm
3 ngày trước
Giá USD hôm nay 23/11 trên thế giới tăng không ngừng, có thời điểm chạm mức 108. Trong nước, giá USD ngân hàng bán ra cộng thêm 5 đồng, trong khi tỷ giá "chợ đen" diễn biến lạ.