Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh như thế tại hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai, tổ chức ngày 2/7.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư, giai đoạn 2011-2020, công nghiệp là động lực tăng trưởng chính của Đồng Nai, đóng góp hơn 709.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 750.000 lao động.
Xét về mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp, tỉnh có mức tăng bình quân 9,0%/năm cho giai đoạn 2015-2020. Tỷ lệ này thấp hơn mức tăng trưởng mục tiêu 10% (mức tăng trung bình của cả nước).
Nguyên nhân do ngành công nghiệp Đồng Nai vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, ngành công nghiệp sạch, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng chuyển biến chậm.
Đồng Nai cũng chưa định hình được KCN công nghệ cao. Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động vẫn còn chiếm tỷ trọng lớn. Việc sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chịu sự biến động lớn của giá cả thế giới.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhìn nhận, với 750.000 lao động mà thu ngân sách chỉ 709.000 tỷ trong 10 năm, tương ứng với mỗi lao động chỉ đóng góp 100 triệu đồng trong 1 năm là rất kém hiệu quả.
Hiệu quả kém này là do công nghiệp Đồng Nai sở hữu công nghệ lạc hậu. Đồng Nai sử dụng lao động phổ thông, không có tay nghề nên tạo ra giá trị thấp.
Vì giá trị thấp nên đóng góp ngân sách cũng thấp. "Nếu cứ tiếp tục tồn tại với nguồn lực yếu kém như vậy thì công nghiệp Đồng Nai đừng nói đến câu chuyện cạnh tranh", Bí thư Tỉnh ủy nói.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đánh giá, thực trạng công nghiệp hiện nay và hoạt động đổi mới công nghệ của tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, chưa thực sự được doanh nghiệp quan tâm.
Hiện nay, số lượng các KCN ở Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đã vượt mặt Đồng Nai. Trong khi đó, dân số và diện tích của Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương đều nhỏ hơn Đồng Nai.
Thế nhưng, trừ đi nguồn thu từ dầu khí, thu nội địa của Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn cao hơn Đồng Nai. Bình Dương cũng vậy. Bí thư nhấn mạnh, phải nhìn những con số như thế để thấy Đồng Nai đang ở đâu trên bản đồ phát triển công nghiệp.
Hiện nay, Đồng Nai có cảng Phước An, gần cảng Cái Mép, sở hữu sân bay quốc tế Long Thành và có 4 đường cao tốc đi qua. Ngành công nghiệp Đồng Nai đang sở hữu vị trí địa lý vô cùng đắc địa với nhà đầu tư.
Với vị trí đắc địa như thế, Đồng Nai không thể để tồn tại một không gian mà 32 KCN đang sở hữu với rất nhiều công nghệ lạc hậu.
Đồng Nai tự hào là tỉnh đi sớm về công nghiệp nhưng tỉnh sẽ phải đối diện với sự thật là Đồng Nai cũng tụt hậu về công nghệ.
"Nếu không sớm chuyển đổi công nghệ, không thấy đây là nhu cầu bức bách, Đồng Nai sẽ còn tiếp tục thua kém các tỉnh thành khác", Bí thư Tỉnh ủy cảnh báo.