Theo số liệu của Bộ Công thương, tính đến nay, Việt Nam đã có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô. Trong đó, 50 doanh nghiệp lắp ráp, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe và thùng xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô…
Con số này nếu so với các nước trong khu vực là rất thấp. Ví dụ, tại Malaysia là 385 doanh nghiệp ở Malaysia hay Thái Lan là 2.500 doanh nghiệp về sản xuất linh kiện phụ tùng ô tô.
Còn nếu so sánh về chất, các doanh nghiệp trong nước mới chỉ sản xuất được một số nhóm linh kiện phụ tùng đơn giản như thùng xe, vỏ cabin, ống xả, hộp số, ghế ngồi, chân phanh… với hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng thấp.
Ngoại trừ một số doanh nghiệp lớn như Thaco, Samco, TMV… đầu tư vào công nghệp hỗ trợ sản xuất chi tiết tổng thành ô tô, thì 90% đơn vị cung ứng là doanh nghiệp FDI.
Tuy nhiên, ông Dương Hồng Quân, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng chỉ ra một vài con số lạc quan. Theo ông, Việt Nam dù nhập khẩu nhiều linh kiện nhưng cũng đồng thời xuất khẩu nhiều.
Ví dụ trong năm 2015, lượng linh kiện nhập khẩu về khoảng 2,3 tỷ USD thì cũng xuất đi được lượng hàng hoá là 4,1 tỷ USD. Trong số đó, ông Quân nói rằng có đa số sản phẩm linh kiện ngành công nghiệp ô tô như dây dẫn điện, đai thắt, linh kiện tự động, chế hòa khí, cụm chân khóa, bộ lọc bằng thép…
Ông nhấn mạnh các năm sau xuất khẩu cao hơn năm trước. Dù làm nhiều nhưng các DNNVV không công bố là sản phẩm của ô tô nên ít được biết, theo ông Quân.
Vì vậy, đại diện Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cho rằng đây là một tiềm năng chưa được tính hết. Doanh nghiệp Việt, trên thực tế đã làm được những chi tiết, linh kiện khó, thậm chí đã gia công được sản phẩm cho máy bay Boeing.
Tuy nhiên, ông cho biết các doanh nghiệp này thường gặp khó trong việc chủ động nguyên liệu chế tạo cũng như tìm được vào được chuỗi cung ứng của doanh nghiệp ô tô.
"Trước đây, có Vinaxuki nhưng nay đã "chết" mất rồi. Giờ Việt Nam phải có những anh lớn như Trường Hải đứng ra bảo lãnh thương hiệu rồi tập hợp các DNNVV để kết nối’’, ông Quân nhấn mạnh.