Theo Sở NNPTNT tỉnh Bình Phước, giống tiêu BP-TĐT1 do ông Đặng Văn Tuấn sưu tập từ Campuchia về trồng tại địa phương từ năm 2012. Giống tiêu mới có chiều cao cây 4,5m, đường kính tán 1,5m, chóp cành non có màu hồng nhạt. Qua nhiều năm theo dõi, ngành nông nghiệp Bình Phước cho biết giống tiêu mới này chưa thấy biểu hiện nhiễm bệnh dù xuất hiện bệnh thán thư mức độ nhẹ.
Xét các tiêu chí nông học, yếu tố cấu thành năng suất và năng suất hạt tiêu đen của giống tiêu BP-TĐT1 đều cao hơn so với tiêu Vĩnh Linh được trồng phổ biến tại địa phương. Chỉ tiêu sau thu hoạch của giống tiêu mới đạt TCVN hạt tiêu đen xuất khẩu, hàm lượng piperine thấp hơn tiêu chuẩn nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của nhà thu.
Giống tiêu mới có chùm dài hơn các giống tiêu khác.
Riêng về năng suất, nếu so sánh với tiêu Vĩnh Linh, năng suất loại tiêu mới đều vượt trội. Cụ thể, niên vụ 2015 - 2016, vườn tiêu BP-TD9T1 năng suất đạt 7,8 tấn/ha (tiêu Vĩnh Linh đạt 4,5 tấn/ha); niên vụ 2016 - 2017 năng suất tiêu mới đạt 8,4 tấn/ha (còn tiêu Vĩnh Linh là 4,6 tấn/ha). Đến niên vụ 2017 - 2018, năng suất tiêu BP-TĐT1 đạt khoảng 6,9 tấn/ha (tiêu Vĩnh Linh khoảng 3,7 tấn/ha).
Trong điều kiện chăm sóc như các giống tiêu khác trong vườn và các vườn tiêu khác trong huyện Lộc Ninh, năm thứ 4-5 năng suất trung bình của giống tiêu mới đạt 5-6kg/trụ. Thậm chí có những trụ năng suất đạt tới 10kg. Chiều dài chùm quả, kích cỡ và số lượng hạt/chùm chiều dài chùm quả giống tiêu mới dao động ngưỡng trung bình 15-17cm, đạt 80-85 quả/chùm, kích thước hạt có đường kính 3,2-3,5m.
Ngành nông nghiệp Bình Phước đánh giá phần lớn nông dân chọn giống tiêu theo kinh nghiệm.
Theo ông Trần Minh Đức, Giám đốc Ban Quản lý khu nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao Bình Phước, từ năm 2012, Sở NNPTNT đã chỉ đạo Ban điều tra, đánh giá và tuyển chọn giống cây trồng, vật nuôi nói chung và hồ tiêu nói riêng trên địa bàn tỉnh.
Qua khảo sát cho thấy giống hồ tiêu được trồng chủ yếu do nông dân tự chọn lọc từ nguồn giống địa phương hoặc du nhập từ địa phương khác như Vĩnh Linh, Lộc Ninh, Phú Quốc… Phần lớn người trồng tiêu chọn giống theo kinh nghiệm sản xuất không qua tuyển chọn dẫn đến các giống hồ tiêu dần bị thoái hóa, cho năng suất không cao, khả năng chống bệnh kém, tuổi thọ vườn cây ngày càng giảm dần.
Tuy nhiên, cũng trong năm 2012, trên địa bàn tỉnh xuất hiện giống tiêu mới tại hộ ông Đặng Văn Tuấn với một số đặc tính trong sinh trưởng, phát triển và năng suất cao hơn so với các giống truyền thống được người dân trồng trên địa bàn.
Qua nhiều năm theo dõi, giữa tháng 11.2017 Ban đã đề nghị cơ quan chức năng xem xét công nhận giống tiêu mới này nhằm bổ sung nguồn hồ tiêu, phục vụ sản xuất, đồng thời góp phần vào chương trình phát triển hồ tiêu bền vững tại tỉnh.
Bên cạnh đó, Ban cũng kiến nghị Sở NNPTNT Bình Phước cho khảo nghiệm trên diện rộng trên địa bàn để làm cơ sở trình Bộ NNPTNT, Bộ Khoa học Công nghệ để đăng ký nhãn hiệu và xác nhận quyền sở hữu trí tuệ cho giống hồ tiêu BP-TĐT1 mới tại huyện Lộc Ninh, Bình Phước.