Chồng chất nỗi lo
Hơn 10 năm làm công nhân, anh Nguyễn Hữu Tuyên (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống khó khăn như hiện tại. Dù không thuộc diện F1 hay F2 phải cách ly nhưng anh Tuyên vẫn phải nghỉ làm vì khu vực nhà máy của anh đang bị phong tỏa.
Nhớ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát vào năm ngoái, vợ chồng anh phải nghỉ việc luân phiên. Thu nhập giảm hơn một nửa, khiến gia đình phải “bóp miệng” mới đủ duy trì cuộc sống.
“Những tưởng thời điểm đó là khó khăn lắm rồi, nhưng giờ còn chật vật hơn. Đợt vừa rồi, vợ tôi mới sinh thêm con gái, các khoản chi tiêu tăng thêm trong khi thu nhập chỉ chờ vào mỗi đồng lương của tôi”, anh Tuyên nói.
Từ đầu năm đến nay, anh mới nhận được duy nhất một tháng lương đầy đủ, vỏn vẹn hơn 7 triệu đồng. Với bao khoản chi tiêu, tiền trọ, tiền sinh hoạt, tiền sữa cho con, chưa đầy nửa tháng tiền lương của anh đã ngốn sạch. Tiền học của cậu con trai lên lớp hai dù bị giáo viên thúc giục từ trước tết, anh xin khất bao lần. Đến nay chuẩn bị kết thúc năm học, anh vẫn chưa biết xoay sở đâu để đóng cho con.
“Hôm xảy ra ca dương tính COVID-19 đầu tiên trong Khu công nghiệp Thuận Thành, chúng tôi lo lắm. Nhưng lo hơn là công ty thông báo tạm dừng hoạt động, công nhân phải nghỉ việc hàng loạt. Trước đây, dù tăng ca có mệt, có ốm đau như thế nào, chúng tôi vẫn vui vì có tiền. Còn hơn một tháng nay thất nghiệp, nhiều đêm tôi trằn trọc không ngủ được”, anh Tuyên chia sẻ.
Nhiều ngày nay, chị Lưu Thị Ngọc Bích (công nhân một nhà máy nhựa tại Khu công nghiệp Song Khê - Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, Bắc Giang) phải ăn mì tôm thay cơm vì không có tiền chi tiêu.
Chị Bích cho biết, sau Tết, chị chật vật mang hồ sơ đi xin việc khắp nơi mới được nhận vào làm. Vẫn trong quá trình thử việc, dịch COVID-19 bùng phát tại doanh nghiệp nơi chị đang làm, khiến gần 2.000 công nhân phải đi cách ly.
“Gần 1 tuần nay, chúng tôi phải ăn mì tôm vì khu cách ly ở nhà nghỉ không nấu cơm, mọi người cũng không thể ra ngoài. Có hôm được người dân quan tâm tiếp tế cho ít lương khô, rau quả. Tâm trạng chung của công nhân đều rất lo vì nghỉ như thế này không biết đến bao giờ mới được đi làm. Tôi còn 2 đứa con ở quê gửi bà, tháng này chưa có đồng nào gửi về, giờ phải ngồi không chờ hết dịch, lo lắm”, chị Bích bày tỏ.
Mong muốn sớm đi làm trở lại
Hiện tại khu ký túc xá của một số doanh nghiệp được bố trí thành các khu riêng biệt, vừa là nơi cách ly cho những trường hợp tiếp xúc với các ca bệnh F0 , vừa như “thành trì” để bảo vệ những công nhân khỏe mạnh. Mục đích nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh đối với tất cả công nhân, đảm bảo hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường.
Chị Triệu Thị Son (công nhân Cty Canon Việt Nam, Quế Võ, Bắc Ninh) cho biết, gần 1 tháng nay, chị không ngừng kêu gọi hỗ trợ của bạn bè qua mạng xã hội để hỗ trợ cho những công nhân phải sống tại khu cách ly. “Mình may mắn còn có được việc làm, có thu nhập. Trên các group Facebook của cộng đồng công nhân, nhiều đồng nghiệp đang rất khó khăn”, chị Son nói. Chị cho biết, mong muốn lớn nhất của công nhân giờ đây là dịch bệnh sớm qua đi, mọi người có thể quay về làm việc bình thường.
Ông Nguyễn Văn Cảnh, Chủ tịch LÐLÐ tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến 24/5, toàn tỉnh có khoảng 190 nghìn công nhân trong các khu công nghiệp phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19, trong đó có khoảng 67 nghìn công nhân phải ở lại nhà trọ.Theo ông Cảnh, hoàn cảnh các công nhân đang rất khó khăn. Ðể hỗ trợ cho công nhân, LÐLÐ Bắc Giang vừa quyết định thành lập siêu thị 0 đồng để hỗ trợ các nhu yếu phẩm cho người lao động.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, ông Phạm Văn Anh, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 lần thứ 4 đang tác động rất lớn đến đời sống, việc làm của công nhân. Đến nay, có đến hàng trăm nghìn công nhân chịu ảnh hưởng. Tại Bắc Giang theo số liệu mới nhất gần 140.000 công nhân trong các khu công nghiệp phải nghỉ việc do cách ly hoặc tạm ngừng hoạt động liên quan đến dịch COVID-19…
Trước tình hình trên, Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa ra quyết định hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng. Theo đó, Tổng LĐLĐ hỗ trợ tối đa 3 triệu đồng/người cho lao động là F0 đang điều trị, 1,5 triệu đồng/người diện F1. Đối với lao động có hoàn cảnh khó khăn khác, mỗi người được hỗ trợ 500 nghìn đồng.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn chủ động đối thoại với người sử dụng lao động chăm lo, hỗ trợ, đảm bảo chế độ, tiền lương cho người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19 theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhất là các ca F0, F1, F2 và công nhân phải nghỉ việc do dịch, do thực hiện cách ly trong khu vực bị phong tỏa theo quyết định của cơ quan nhà nước. Đặc biệt, các đơn vị hỗ trợ nhu yếu phẩm cho công nhân không để họ phải thiếu đói.