Nhiều F0, công nhân lành bệnh phải tăng ca
Sau đợt nghỉ Tết, Công ty May Maxcore (đóng tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tổ chức xét nghiệm PCR cho toàn bộ khoảng 500 công nhân và phát hiện nhiều trường hợp F0 . Bà Nguyễn Thị Chiển, Chủ tịch Công đoàn công ty, cho biết, số ca mắc cùng các F1 liên quan lên đến 45 người.
Với đặc thù của ngành may làm việc theo dây chuyền nên một người nghỉ sẽ ảnh hưởng cả quá trình sản xuất, bà Chiển cho biết, hiện nhiều công nhân phải kiêm nhiệm, dẫn tới giảm năng suất lao động. “Hiện nay, chúng tôi phải cử những người bên một dây chuyền chuẩn bị sản xuất xong sang hỗ trợ các dây chuyền khác. Đa phần là công nhân có tay nghề cao nên kiêm nhiệm được nhiều công đoạn. Công nhân được luân chuyển từ tổ này sang tổ khác nếu không ảnh hưởng nhiều tới kế hoạch”, bà nói.
Nhiều người khi nghỉ Tết do lo ngại dịch bệnh cũng như muốn nghỉ nhiều hơn, chưa quay lại làm việc nên sau Tết, doanh nghiệp luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động. Công ty vẫn đang ráo riết tuyển thêm công nhân. Sau khi thử việc một tháng, người lao động sẽ được ký hợp đồng dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện một công ty sản xuất hàng điện tử tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội cho hay, số ca mắc COVID-19 ở nhà máy liên tục tăng trong thời gian nghỉ Tết. Số ca nhiễm kéo theo diện F1 cũng phải nghỉ cách ly theo. Vị này cho hay, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn, lượng lao động đang rất thiếu. Đội ngũ văn phòng hỗ trợ gián tiếp của công ty cũng phải làm việc tại nhà từ tuần này. Nhân viên hỗ trợ sản xuất cũng thành F0 rất nhiều; có khu văn phòng có đến phân nửa số người là F0, F1.
Đại diện công ty thông tin, nhiều công ty có nhu cầu tuyển người mới theo hợp đồng ngắn hạn hoặc thời vụ (khoảng 3-6 tháng) để bổ sung tạm thời, vì thế có thể dẫn tới cạnh tranh khi tuyển dụng. “Công ty còn có chính sách nếu công nhân viên giới thiệu công nhân vào làm việc được thưởng 1,5 triệu đồng, nhưng đến hiện tại, số lượng tuyển vào vẫn là rất ít so với yêu cầu của công ty”, vị này chia sẻ.
Theo khảo sát của PV Tiền Phong, để thu hút người lao động quay lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết, các doanh nghiệp tại KCN Bắc Thăng Long đang có nhiều chính sách, cùng khoản đãi ngộ hấp dẫn. Nhiều nơi chỉ có yêu cầu tốt nghiệp cấp 3, khi vào làm việc sẽ được ký hợp dài hạn, đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ. Mức lương cơ bản từ 4-6 triệu đồng/tháng. Nhiều công ty sẽ hỗ trợ thêm 1-2 bữa ăn trong ca làm việc.
Ông Nguyễn Văn Giang, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH JA Sola Việt Nam tại Khu công nghiệp Quang Châu (huyện Việt Yên, Bắc Giang) cho biết, gần đây, công ty có xuất hiện một số trường hợp F0, tuy nhiên không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất. Công ty sắp xếp nhân sự chỗ này bù chỗ kia, khắc phục thiếu hụt, không đứt gãy chuỗi sản xuất.
“Theo văn bản chỉ đạo của tỉnh, dù không tập trung test COVID cho công nhân, nhưng công ty vẫn thường xuyên theo dõi và test cho những người có biểu hiện như mệt mỏi, ho, sốt, hay những người có nguy cơ cao”.
Ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Bắc Giang, cho biết, hiện nay nhu cầu tuyển dụng công nhân quý I/2022 tại Bắc Giang khoảng 35.000 người, do các doanh nghiệp thành lập mới và mở rộng sản xuất.
“Sau Tết, Trung tâm đã tuyển dụng gần 1.000 lao động cho các doanh nghiệp. Riêng trong phiên giao dịch trực tuyến sáng 24/2, Trung tâm tuyển 352 lao động. Trung tâm tiếp tục phối hợp với các tỉnh kết nối việc làm, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo xây dựng đơn đặt hàng giữa doanh nghiệp và các trường nghề để đào tạo số lao động có tay nghề kỹ thuật”, ông Huế nói.
Nếu bắt buộc F1 không triệu chứng cách ly, sản xuất sẽ khó khăn
Trao đổi với PV Tiền Phong, các doanh nghiệp cho hay, để tránh lây lan dịch bệnh, họ tăng cường thực hiện 5K trong môi trường làm việc và căng tin. Việc test để phát hiện bệnh nhân COVID-19 tùy từng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tần suất test COVID-19 hiện nay ở các doanh nghiệp đang có xu hướng giảm.
Tỉnh Bắc Giang quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa F0 không triệu chứng và mức độ nhẹ đi cách ly, điều trị. Các trường hợp F0 còn lại, Trung tâm Y tế Khu công nghiệp có trách nhiệm bố trí xe chuyên dụng để đưa F0 đi điều trị. Nếu F0 là người trong tỉnh không triệu chứng và mức độ nhẹ, thì về địa phương nơi lưu trú cách ly, điều trị; tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân hoặc phương tiện do doanh nghiệp bố trí. Hiện tỉnh Bắc Giang không truy vết F2 trở đi. F1 xét nghiệm âm tính, không có triệu chứng vẫn được đi làm.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, nói: “Doanh nghiệp đang bố trí bằng cách công nhân làm thay cho nhau, tăng ca... để không phải dừng dây chuyền, đóng cửa nhà máy. Hiện chưa có doanh nghiệp nào tại Bắc Ninh phản ánh thiếu lao động đến mức phải dừng dây chuyền. Dự báo, vì công nhân tiêm mũi 3 mắc COVID-19 sẽ sớm hồi phục và đi làm trở lại, sức ép thiếu lao động sẽ giảm”.
Ông Phúc cho hay, Bộ Y tế mới quy định, F1 bắt buộc phải cách ly 5 ngày. Nếu thực hiện đúng theo quy định này, các doanh nghiệp chắc chắn sẽ thiếu lao động, ảnh hưởng đến sản xuất. “Nên chăng, chỉ quy định F1 có triệu chứng ho, sốt mới phải cách ly, còn F1 không triệu chứng, test âm tính vẫn để họ đi làm. Bộ Y tế nên xem xét lại quy định này”, ông Phúc nói.
Ông Đoàn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần May Nam Hà, cho biết, để giải quyết việc thiếu hụt lao động do COVID-19, những lao động khoẻ cố gắng làm thêm giờ, tăng ca. Trước tình hình dịch bệnh, kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp theo hướng cân nhắc, không đặt mục tiêu cao như những năm trước.
Cơ quan hành chính nhà nước cũng xáo trộn
Ở nhiều cơ quan hành chính nhà nước, cán bộ viên chức nhiễm COVID-19 nên cán bộ thay nhau kiêm nhiệm. Như tại UBND xã Mỹ Lộc (Thái Thuỵ, Thái Bình), nhân viên văn phòng trở thành ca F0, Phó Chủ tịch UBND xã phải kiêm nhiệm việc ký giấy tờ, đóng dấu và trả kết quả cho bộ phận một cửa.