Cùng với Phú Quốc (Kiên Giang), sân bay Cần Thơ là sân bay thứ 2 ở ĐBSCL trong tổng số 11 sân bay quốc tế của cả nước. Trước đây, sân bay này chỉ có một vài chuyến bay Charter Flight (thuê chuyến) nối Bangkok (Thái Lan), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc) nhưng không thể duy trì.
Kỳ vọng và thách thức
Đầu tháng 4-2019, "cổng trời" Tây Đô đã mở thêm 6 đường bay, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. Đặc biệt, sau 10 năm đưa vào khai thác, lần đầu tiên sân bay Cần Thơ có đường bay quốc tế kết nối Kuala Lumpur (Malaysia) với sự tham gia của AirAsia. Hãng hàng không giá rẻ này được Skytrax bình chọn tốt nhất thế giới năm 2009, đang khai thác hơn 500 chuyến bay/ngày tới 66 thành phố. Hãng này sẽ mở thêm đường bay Cần Thơ - Bangkok vào tháng 5-2019. Ngoài ra, Bamboo Airway của Tập đoàn FLC cũng dự kiến bay tuyến Cần Thơ - Hà Nội với tầng suất 1 chuyến/ngày.
Như vậy, cho đến nay, sân bay quốc tế Cần Thơ là điểm đến của các hãng hàng không quốc tế AirAsia, Thai AirAsia, Thai VietJet Air và các hãng bay trong nước là Vietnam Airlines, VietJet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Ngoài các đường bay đã khai thác kết nối Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Quốc và Côn Đảo, sân bay Cần Thơ vừa có thêm 6 đường bay mới kết nối Nha Trang, Đà Lạt, Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa và Kuala Lumpur.
Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ với năng lực tiếp nhận 3 triệu lượt hành khách/năm nhưng suốt thời gian dài chỉ đạt 20% công suất thiết kế do ít tuyến bay. Đến năm 2018, sân bay này đạt 825.000 lượt hành khách nhưng cũng chưa đến 30% công suất. Vì vậy, việc mở thêm hàng loạt đường bay mới tạo nhiều kỳ vọng cho miền Tây sông nước.
Thị trường hàng không Việt được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nhanh "2 con số" trong 10 năm qua. Lượng máy bay đưa vào khai thác đã tăng gấp 3 lần với khoảng 200 chiếc. Tương lai số máy bay sẽ tăng hơn nữa sau các động thái mua sắm được ký kết trị giá hàng trăm tỉ USD giữa Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways với các "ông lớn" Boeing (Mỹ), Airbus (Pháp).
Tuy nhiên, các chuyên gia hàng không nhận định mức tăng trưởng "2 con số" của hàng không Việt Nam sẽ giảm dần sau năm 2020. Trong bối cảnh cạnh tranh mới, tình trạng "công bố rầm rộ, rút đi lặng lẽ" của một số đường bay trước đây là thách thức mới cho sân bay Cần Thơ.
Tìm động lực lâu dài
Nhiều người cho rằng sắp tới, lượng khách qua sân bay Cần Thơ sẽ tăng cao nhờ… sân bay Tân Sơn Nhất sửa chữa. Áp lực quá tải của sân bay lớn nhất nước này sẽ đẩy khách chọn sân bay Cần Thơ. Tuy nhiên, lợi thế này nếu có cũng chỉ nhất thời. Động lực lâu dài cho những đường bay phải là nhu cầu hàng không từ sức hút của phát triển kinh tế vùng, hoạt động đầu tư, thương mại sôi động, sức hấp dẫn của ngành du lịch. Cần Thơ, nhìn rộng ra ĐBSCL, phải là điểm đến thật sự của hành khách chứ không thể trông chờ vào "người hàng xóm".
Lượng khách qua sân bay Cần Thơ chủ yếu là du khách, cán bộ công chức đi công tác và thương nhân. Xác định các phân khúc khách hàng để cung ứng dịch vụ phù hợp là việc của các hãng hàng không. Sân bay góp phần tăng lượng hành khách bằng chất lượng cơ sở hạ tầng và dịch vụ mặt đất nhưng tạo ra nhu cầu hàng không cần có trách nhiệm của chính quyền. Hoạch định chính sách, chiến lược, quyết định đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối các phương thức giao thông của bộ, ngành trung ương và địa phương là rất quan trọng để thu hút các hãng bay và hành khách đi máy bay.
Ngày 28-12-2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định 2119/QĐ-TTg phê duyệt Đề án định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam với các quốc gia, địa bàn trọng điểm và Quyết định105/QĐ-TTg ngày 22-1-2019 phê duyệt Đề án tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch. Theo đó, 12 đường bay trọng điểm quốc tế của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Nga, Đức, Úc, Pháp, Anh và Ấn Độ. Đề án xác định việc mở thêm đường bay mới, tăng tần suất bay trên các đường bay hiện có, tăng cường kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm, trong đó có đồng bằng sông Cửu Long, đảo Phú Quốc. Đề án cũng yêu cầu xây dựng chính sách để phát triển cơ sở hạ tầng, quảng bá phát động thị trường, cấp quyền vận chuyển, chính sách ưu đãi về giá khi các hãng bay sử dụng dịch vụ hỗ trợ tại các cảng hàng không.
Trong bối cảnh đó, sân bay Cần Thơ cần định vị, nhận diện điểm yếu, lợi thế, tăng cường năng lực cạnh tranh và liên kết trong mạng lưới các cảng hàng không quốc gia và quốc tế. Sự cất cánh của "cổng trời" Tây Đô rất cần động lực phát triển lâu dài, bền vững.
Phía trước đường băng sân bay Cần Thơ, những đường bay dài hay ngắn, nhanh hay chậm không chỉ phụ thuộc vào không gian vật lý và vận tốc bay, mà còn là năng lực cạnh tranh vùng, khoảng cách trách nhiệm, ý thức và những nỗ lực mang tính chuyên nghiệp hơn của các bên liên quan.
Mở nhiều đường bay để kích cầu du lịch
Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết để các hãng hàng không quan tâm mở các đường bay, TP đã hỗ trợ tuyên truyền quảng bá cho các đường bay mới. Trong tương lai, TP Cần Thơ sẽ làm việc với các tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL để có thêm chính sách hỗ trợ cho các hãng. Đồng thời, TP Cần Thơ cũng đang xúc tiến các dự án liên quan đến lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện thu hút du khách. "Cần Thơ đang gấp rút thay đổi dịch vụ xe buýt trên địa bàn, trong đó sẽ hoàn thiện tuyến xe buýt trong TP kết nối với sân bay quốc tế Cần Thơ. Đồng thời, mở thêm các tuyến xe buýt mới đi Vĩnh Long, TP Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp), TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), Sóc Trăng và một số nơi nữa để kết nối với các đường bay" - ông Thống thông tin.
Cần Thơ đang lựa chọn nhà đầu tư logistics hàng không để ngoài vận chuyển hành khách sẽ vận chuyển nông sản của khu vực ĐBSCL đi các nơi. Logistics hàng không sẽ có trạm bảo trì, bảo dưỡng để máy bay qua đêm tại Cần Thơ.
C.Linh