Sơn Trà bị băm nát là vì chính quyền Đà Nẵng cấp đất biệt thự, đất ở, quản lý lỏng lẻo để các DN sang nhượng, bán xé lẻ trên giấy hoặc bỏ hoang. Ảnh: THANH HẢI
Đặc biệt, biểu hiện rõ nhất là việc Vũ “nhôm” tham gia, hoặc sở hữu hàng loạt dự án lớn, nhà - đất công sản ở vị trí đẹp. Tuy nhiên, công ty của Vũ “nhôm” đã tham gia “xẻ nát” Sơn Trà như thế nào thì gần như chưa được nhắc đến...
Xí phần, sang nhượng, hưởng chênh lệch
Bán đảo Sơn Trà trở thành “điểm nóng” dư luận, từ đầu năm 2017, khiến Chính phủ phải nhiều lần can thiệp, chỉ đạo khẩn cấp. Trong đó, có việc tạm dừng thi công dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa, tạm dừng thực hiện quy hoạch tổng thể về phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà... Đặc biệt, chỉ đạo thanh tra toàn bộ các dự án trên Sơn Trà.
Theo báo cáo của chính quyền, đến tháng 12.2012, TP.Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án du lịch, nghỉ dưỡng trên Sơn Trà với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.222ha. Trong đó đất giao có thu tiền chỉ 94ha; hơn 274ha khác giao dưới hình thức cho thuê, và phần lớn diện tích còn lại là giao quản lý không thu tiền. Với diện tích khổng lồ như vậy, song tổng số tiền sử dụng đất mà TP.Đà Nẵng đã thu từ năm 2003-2012 chỉ chưa đầy 700 tỉ đồng.
Hiện trên bán đảo này đã có 3 dự án được đầu tư gồm các khu du lịch sinh thái biển Bãi Bắc, Sơn Trà Resort & Spa và Khu du lịch - nghỉ dưỡng sinh thái Bãi Trẹm. Một dự án đang triển khai nhưng tạm dừng là Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái biển Tiên Sa; 3 dự án đã triển khai một phần nhưng sau đó tạm ngừng là các Khu du lịch Bãi Trẹm, Bãi Bụt và Khu du lịch sinh thái nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà. Ngoài các dự án trên, hiện ở bán đảo này còn có đến 11 dự án xí phần. Ngay cả các dự án đã triển khai hiện nay, phần lớn là chủ mới. Các nhà đầu tư nguyên thủy, thực chất là nhờ “mối quan hệ” để lấy đất, xí phần rồi sang nhượng trên giấy tờ, hưởng chênh lệch khủng. Dù không trực tiếp đứng tên, song nhiều dự án trên Sơn Trà được cho là các nhà đầu tư phải “mua lại” của Vũ “nhôm”.
Xẻ nát Sơn Trà ngay trên giấy
Dự án Khu dịch vụ du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa của Cty Cổ phần Xây dựng 79 của ông Vũ “nhôm” là một ví dụ cụ thể nhất hiện tượng băm nát Sơn Trà. Xin nói lại, từ tháng 11.2012, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ: Khu đất 149.687m2 thuộc dự án mở rộng Khu du lịch sinh thái - biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa của ông Vũ “nhôm” nằm trong danh mục 22 trường hợp sai phạm về xác định giá thu tiền sử dụng đất, theo đó làm thất thu ngân sách 22,4 tỉ đồng, phải thu hồi (Kết luận số 2852/KL-TTCP, ngày 2.11.2012).
Tuy Cty CP Xây dựng 79 của ông Vũ “nhôm” chưa khắc phục, nhưng tháng 10.2015, UBND TP.Đà Nẵng vẫn giải quyết các thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với dự án. Thậm chí đến tháng 11.2015, thành phố đã ký QĐ, cấp 33 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích 149.687m2 mục đích sử dụng... đất ở tại đô thị. Thời hạn sử dụng đến 2064... QĐ này chỉ dựa trên “lời hứa” là cam kết trả (22,4 tỉ đồng - theo kết luận của Thanh tra Chính phủ) được bảo lãnh thanh toán tại Ngân hàng Sacombank - CN Đà Nẵng.
Dự án này của ông Vũ “nhôm” được giao gần 1 triệu mét vuông. Nhưng, chỉ có 154.968m2 là giao đất có thu tiền sử dụng với giá từ 450.000 - 550.000 đồng/m2. Chỉ 160.000m2 là tính giá thuê 160.000 đồng/m2. Phần lớn diện tích còn lại gọi là đất tôn tạo cảnh quan, nên không thu tiền. Theo quy hoạch, dự án có 289 biệt thự và khu khách sạn 5 tầng quy đổi 284 phòng... Tuy dự án đến nay chưa có bất cứ động thái triển khai nào trên thực địa, chưa trả tiền thuê đất từ 2007 đến nay, nhưng Cty CP Xây dựng 79 của Vũ “nhôm” đã “chuyển nhượng” bằng hình thức cầm 33 “sổ đỏ” đi góp vốn với Cty CP Phát triển Bất động sản Hà Linh, Hà Nội.
Như vậy, chưa kể việc xây dựng dự án vị trí có tầm quan trọng cao trong thế trận phòng thủ bảo vệ tổ quốc, mà Dự án Khu dịch vụ du lịch sinh thái biển, biệt thự cao cấp Ghềnh Bàn - Bãi Đa của ông Vũ “nhôm” đã có biểu hiện nhiều sai phạm nghiêm trọng như: Được UBND TP.Đà Nẵng cấp đất trực tiếp cho DN, không có dự án đầu tư, không thông qua đấu thầu dự án sử dụng đất hoặc đấu giá đất, không thông qua tham mưu của các sở, ngành có liên quan theo quy định. Được giao đất từ 2007 đến nay, dự án không triển khai xây dựng, không làm các thủ tục thuê đất, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường... Thế nhưng, dự án đang có động thái chuyển dịch, sang nhượng.