Thị trường chứng khoán có nhịp điều mạnh từ đầu năm đến nay, kèm theo đó là thanh khoản cũng giảm so với nửa năm trước. Kết thúc phiên giao dịch 15/6, VN-Index giảm 284,35 điểm (-19%) xuống 1.213,93 điểm. HNX-Index giảm 190,74 điểm (-40,2%) xuống 283,25 điểm. UPCoM-Index giảm 24 điểm (-21,3%) xuống 88,65 điểm. Tổng giá trị giao dịch giảm 26,9%, đạt 19.438,4 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh giảm 31% còn 16.892 tỷ đồng; trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE là 14.784 tỷ đồng.
Ở thời điểm hiện tại, một số công ty chứng khoán đã công bố báo cáo chiến lược thị trường tháng 6 với những phân tích cũng như dự báo biến động của VN-Index trong giai đoạn này.
Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán vẫn còn gặp nhiều thách thức trong bối cảnh Fed thắt chặt chính sách tiền tệ, chiến tranh Nga- Ukraine kéo dài, chính sách “không Covid” của Trung Quốc gián tiếp tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Mặc dù vậy, cả thị trường chứng khoán Mỹ và Việt Nam đều đã giảm gần 14% so với đầu năm cho thấy các thách thức này đã phần nào đã phản ánh vào giá.
Động thái của khối ngoại đã nâng đỡ cho thị trường hồi phục từ mức thấp trong trong tháng 5. Tuy nhiên, việc tỷ trọng giao dịch của khối ngoại đang có xu hướng quay lại mức cao do thu hẹp giao dịch từ khối nhà đầu tư cá nhân có thể khiến động lực hồi phục của thị trường suy yếu trong trường hợp dòng vốn từ khối ngoại đảo chiều. Lạm phát dự kiến cũng chịu áp lực cao dần trong các quý tới.
Nhìn chung, SSI Research chưa nhìn thấy động lực cho thị trường đi lên mạnh mẽ trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, đơn vị này tin rằng biến động mạnh sẽ mang lại cơ hội ở các ngành hồi phục sau đại dịch và không bị ảnh hưởng nhiều bởi lạm phát tăng cao như dầu khí, cảng & vận tải biển, hóa chất, tiêu dùng không thiết yếu, công nghệ thông tin.
Dù có phần thận trọng hơn về triển vọng của thị trường trước các thách thức hiện tại, nhưng SSI Reseach cho rằng vẫn có những yếu tố để kỳ vọng. Nửa cuối 2022 mức tăng trưởng của những ngành bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dự kiến sẽ ở mức tích cực so với cùng kỳ thấp năm ngoái, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ được đẩy nhanh hơn. Gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng là một động lực cho tăng trưởng nếu sớm được triển khai đúng định hướng.
SSI Research cũng đưa ra quan điểm kỹ thuật về nhịp hồi phục hiện tại, theo đó, khu vực 1.280 điểm sẽ quyết định xu hướng của VN-Index trong giai đoạn tháng 6. Nếu vẫn duy trì trên khu vực này, VN-Index nhiều khả năng sẽ mở rộng đà hồi phục kỹ thuật lên vùng 1.300 -1.330 điểm. Ngược lại, nếu xuyên thủng vùng 1.280 điểm, VN-Index khả năng sẽ điều chỉnh trở lại với vùng hỗ trợ gần là 1.261 – 1.250 điểm.
Ngược lại, Chứng khoán VNDirect đưa ra quan điểm tích cực về biến động thị trường trong tháng 6. Đơn vị kỳ vọng tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán. tốc độ phục hồi mạnh mẽ hơn của nền kinh tế Việt Nam trong vài quý tới sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán.
Yếu tố tiếp theo hỗ trợ cho thị trường chứng khoán tháng 6 đến từ việc chính thức triển khai gói cấp bù lãi suất 40.000 tỷ đồng. VNDirect kỳ vọng rằng gói cấp bù lãi suất có thể giúp giảm lãi suất cho vay trung bình từ 20-40 điểm cơ bản trong năm 2022. Tuy nhiên, tác động thực tế của gói cấp bù lãi suất đối với doanh nghiệp và nền kinh tế có thể thấp hơn nếu các ngân hàng thương mại tăng lãi suất cho vay đối với các khoản vay thông thường khác để bù đắp việc tăng lãi suất huy động.
Cuối cùng là triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ của các công ty niêm yết trong giai đoạn 2022-2023. VNDirect dự báo tăng trưởng lợi nhuận ròng của các công ty niêm yết trên HoSE sẽ khoảng 21% so với cùng kỳ trong hai năm tới, gấp đôi tốc độ của 15 năm qua. Theo dữ liệu lịch sử, VN-Index hầu hết ghi nhận mức tăng trưởng dương trong những năm mà tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết cao trên 10% (bình quân 15 năm), ngoại trừ năm 2010 khi Việt Nam phải đối mặt với lạm phát cao và vụ vỡ nợ của Vinashin.
|
Ở góc nhìn kỹ thuật, VNDirect kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục hồi phục trong tháng 6. Tuy nhiên, thị trường chưa hình thành xu hướng tăng rõ nét và thanh khoản vẫn đang ở mức thấp. Mức kháng cự gần nhất của VN-Index là vùng 1.280-1.300 điểm. Mức kháng cự tiếp theo tại 1.320-1.330. Ngưỡng hỗ trợ mạnh của là 1.200-1.220 điểm.
Trong khi đó, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận thấy không có nhiều thông tin đủ mạnh để tác động đến thị trường tháng 6, ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. VN-Index đã phục hồi khá nhanh sau khi giảm mạnh xuống ngưỡng 1.165 điểm trong tháng 5. VDSC kỳ vọng sẽ không có nhiều phiên bán tháo tương tự diễn ra trong tháng 6. VN-Index sẽ biến động trong vùng 1.240 – 1.350 điểm cho đến khi có thêm chất xúc tác để chỉ số xác định rõ xu hướng.
|
VDSC đánh giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang đứng trước khá nhiều rủi ro vĩ mô từ bên ngoài, đặc biệt là liên quan đến chính sách tiền tệ thắt chặt trong bối cảnh diễn biến lạm phát toàn cầu khó lương, dẫn dắt bởi giá năng lượng và lương thực neo cao do chịu tác động của cuộc chiến Nga - Ukraina. VDSC cho rằng yếu tố này sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát của Việt Nam, qua đó, trở thành lực cản lớn đối với đà tăng của thị trường trong bối cảnh dòng tiền ngày càng thận trọng và khó có nhiều thông tin tích cực mang tính lan tỏa trên diện rộng trong tháng 6.
Trong khi dòng tiền từ nhà đầu tư khó có khả năng cải thiện mạnh trong tháng 6 do tâm lý đầu tư vẫn còn khá thận trọng, VDSC kỳ vọng các quỹ ETF như DCVFM VN Diamond hay Fubon FTSE có thể duy trì được trạng thái hút ròng trong ngắn hạn nhờ các yếu tố nội tại thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn đang hấp dẫn hơn tương đối so với một số nước trong khu vực. Tại ngày 3/6, mức định giá P/E năm 2022 của VN-Index là 13,9x, với tăng trưởng EPS dự phóng năm 2022 là 18%.
|