Hãng nghiên cứu thị trường Jones Lang LaSalle (JLL) vừa mới tiết lộ về kế hoạch mở rộng tới thị trường Việt Nam của WeWork trong một báo cáo mới đây của mình. Theo hé lộ của JLL, công ty tỷ đô này đang nhắm tới một cao ốc có vị trí tại quận 4 gần khu vực được xem là phố wall Sài Gòn (quận 1) để mở văn phòng và kinh doanh mặt bằng cho thuê văn phòng theo mô hình mới này.
Coworking Sapce chỉ mới được biết đến ở Việt Nam được vài năm gần đây, chỉ có một vài đơn vị kinh doanh mô hình này như Regus, Toong, Up, Dreamplex…mới đây có sự xuất hiện của CoGo với 3 trung tâm mới mở tại Hà Nội có tổng diện tích sàn 7.000m2.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong một hai năm qua, trung bình khoảng 58%, nhưng quy mô thị trường này tại Việt Nam còn rất nhỏ, theo dự báo của CBRE thì tổng diện tích mặt bằng coworking space tại Việt Nam đến cuối năm 2018 chỉ vào khoảng 90.000m2 sàn, một con số rất khiêm tốn so với văn phòng truyền thống hiện có, riêng Hà Nội và TP.HCM mỗi thành phố đều có hơn 1 triệu m2 sàn.
Coworking Space được xem là mô hình văn phòng trẻ trung, hiện đại, thân thiện và tiết kiệm chi phí…do vậy, mô hình này đang phát triển khá nhanh, đặc biệt phù với những doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trẻ mới starup.
Với thị trường tiềm năng như Việt Nam thì việc một công ty tỷ đô như WeWork tham gia thị trường được xem như một "cú huých" cho thị trường này bùng nổ trong những năm tới. Và ngay cả những công ty non trẻ trong nước như CoGo cũng đang tỏ ra khá tham vọng với lĩnh vực này. Theo kế hoạch thì CoGo sẽ tiếp tục nâng tổng diện tích sàn năm nay lên con số 12.000m2 sàn dù chỉ mới ra mắt hồi giữa năm.
Còn với WeWork, họ đã có động thái nhắm tới thị trường Việt Nam từ trước đó. Giới kinh doanh trong ngành có thể dễ nhận thấy động thái này khi thương vụ Wework thâu tóm thành công một coworking space lớn tại Trung Quốc là nakedHUB với trị giá 400 triệu USD được kích hoạt. Bởi lẽ hiện nakedHUB đang sở hữu hai trung tâm coworking space tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo định giá mới đây thì giá trị của Wework có thể lên tới 35 tỷ USD khi Softbank đang dự tính đầu tư thêm 3 tỷ USD nữa vào Wework. Đối tượng khách hàng của Wework rất đa dạng từ những startup nhỏ, freelancers cho đến các tập đoàn lớn như General Motors, Samsung, Microsoft…Vì thế, đơn vị này đang mở rộng sang thị trường châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.
Các hoạt động xúc tiến tìm hiểu thị trường cũng như thăm dò khách thuê được WeWork tổ chức rầm rộ trong quý III/2018. Theo JLL, dự kiến trong tháng 12 tới đây WeWork sẽ ra mắt tại TP.HCM, với quy mô trung tâm vào khoảng 5.000m2 – được xem là trung tâm có diện tích lớn nhất Việt Nam về coworking space.
Theo đánh giá của JLL, thị trường coworking space Việt Nam lọt vào tầm ngắm một tay chơi sừng sỏ trong giới khởi nghiệp BĐS thế giới là một tín hiệu tích cực. Bởi WeWork thuộc nhóm công ty khởi nghiệp lớn nhất nước Mỹ chỉ sau Uber và Airbnb, công ty hiện có tới 250.000 thành viên sau 8 năm thành lập.
Tuy nhiên, đáng chú ý là trong một chia sẻ gần đây trên Reuters, WeWork dự báo công ty còn tiếp tục thua lỗ, trung bình khoảng nửa tỷ USD mỗi năm, nguyên nhân là bởi đơn vị này liên tục mở rộng và khai trương nhiều trung tâm mới khắp toàn cầu và rót tiền cho hoạt động tiếp thị. Tỷ lệ thuê trung bình được WeWork tiết lộ là 84% tính tới cuối quý II/2018. Sáu tháng đầu năm 2018, WeWork đã báo cáo lỗ 723 triệu USD.