Đó là nội dung văn bản vừa được bà Lê Hồng Thủy Tiên - tổng giám đốc Công ty cổ phần IPP Air Cargo - gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không về việc xin dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không IPP Air Cargo.
Lý do được tổng giám đốc IPP Air Cargo đưa ra là xung đột giữa Nga và Ukraine leo thang; kinh tế toàn cầu suy thoái ngày càng hiện hữu, kéo theo hàng loạt hệ lụy về lạm phát, lãi suất tăng, biến động về giá nhiên liệu.
Dựa trên nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế, đại diện IPP Air Cargo cho rằng tình hình biến động và bất ổn của thị trường hàng hóa toàn cầu hiện nay cũng như dự báo khó khăn của ngành vận chuyển hàng hóa trong vài năm tới do biến động giá nhiên liệu, nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.
Từ lý do trên, Công ty IPP Air Cargo xin các cơ quan liên quan được rút hồ sơ và dừng cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không cho công ty này.
Lãnh đạo IPP Air Cargo cho biết khi thị trường thế giới có sự phục hồi và ổn định trong tương lai, doanh nghiệp này sẽ cân nhắc trở lại vào thời điểm thích hợp xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa hàng không mới, bao gồm việc nộp hồ sơ xin cấp phép từ đầu.
Công ty IPP Air Cargo có trụ sở tại TP.HCM, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 10-3-2021 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không.
Công ty này do ông Nguyễn Hạnh (tức Johnathan Hạnh Nguyễn - PV) làm chủ tịch hội đồng quản trị, bà Lê Hồng Thủy Tiên (vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn) làm tổng giám đốc.
Qua kết quả thẩm định hồ sơ của IPP Air Cargo, tháng 3-2022 được Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Thủ tướng cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa cho IPP Air Cargo.
Theo hồ sơ xin cấp phép lập hãng hàng không, IPP Air Cargo dự kiến khai thác bằng máy bay Boeing 737, 777, Airbus A330 và tương đương với số lượng 5 chiếc (bắt đầu từ năm 2022), tăng dần lên thành 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo.
Phương án kinh doanh của IPP Air Cargo là khai thác vận tải hàng hóa trên mạng đường bay nội địa kết nối trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP.HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, châu Âu…