Theo CNBC, gã khổng lồ ngành dầu mỏ Royal Dutch Shell của Anh đã lên tiếng xin lỗi vì mua một lô hàng dầu của Nga với mức giá chiết khấu cao. Ngoài ra, công ty này cũng thông báo rút khỏi các kế hoạch liên quan đến lĩnh vực hydrocarbon của Nga.
Shell cho biết trong một thông báo: "Ngay lập tức thực hiện bước đầu tiên, công ty sẽ ngừng toàn bộ giao dịch mua dầu thô giao ngay của Nga. Công ty cũng sẽ đóng các trạm dịch vụ, hoạt động kinh doanh nhiên liệu hàng không và dầu nhờn tại Nga."
Hôm 4/3, Shell đã mua 100.000 tấn dầu thô Urals từ Nga. Theo thông báo của công ty, Shell đã mua lô hàng này với mức giá thấp kỷ lục, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp né tránh dầu của Nga do lo ngại lệnh trừng phạt. Trong khi đó, giao dịch này không vi phạm bất kỳ lệnh trừng phạt nào từ phía phương Tây.
Ở thời điểm đó, Shell nhấn mạnh họ đã "đàm phán trong căng thẳng với các chính phủ và tiếp tục tuân theo hướng dẫn của họ về vấn đề an ninh nguồn cung". Shell cũng cho biết họ nhận thức sâu sắc việc cần "giải quyết tình huống khó xử này một cách thận trọng nhất".
Công ty đã phải đối mặt với những lời chỉ trích nặng nề sau thương vụ mua bán này, bao gồm cả Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Nhà lãnh đạo này đã thúc giục các doanh nghiệp cắt đứt mọi quan hệ kinh doanh với Nga.
Mới đây, CEO của Shell - Ben van Beurden, cho biết, công ty đã "nhận thức sâu sắc về quyết định vào tuần trước là mua một lô hàng dầu thô của Nga để tinh chế các sản phẩm như xăng và dầu diesel." Ông nói thêm: "Dù được thực hiện với để có thể đảm bảo về nguồn cung, nhưng đây là hành động không đúng."
Shell cũng nói rằng họ có ý định rút khỏi liên doanh với tập đoàn khí đốt khổng lồ của Nga - Gazprom, và các thực thể liên quan. Cuối tuần trước, công ty cũng cho biết họ sẽ cam kết khoản lợi nhuận từ thương vụ mua bán dầu của Nga sẽ được sử dụng cho một quỹ dành riêng để cứu trợ nhân đạo tại Ukraine.
Van Beurden nói thêm, những thách thức về mặt xã hội do căng thẳng Nga - Ukraine gây ra đã cho thấy "tình thế tiến thoái lưỡng nan giữa việc gây áp lực lên chính phủ Nga với những lệnh trừng phạt và đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng ổn định, an toàn khắp châu Âu."
Trong bức thư với nội dung xin lỗi về thương vụ trên, Shell cho hay: "Chúng tôi sẽ phối hợp với các tổ chức viện trợ và các cơ quan nhân đạo trong những ngày, tuần tới để xem nguồn tiền này được đưa vào đâu là tốt nhất để giảm thiểu những hậu quả khủng khiếp mà những căng thẳng hiện tại gây ra cho người dân Ukraine. Chúng tôi sẽ tiếp tục lựa chọn các giải pháp thay thế cho dầu Nga, nhưng điều này không thể xảy ra trong một sớm một chiều vì nguồn cung Nga rất quan trọng đối với nguồn cung toàn cầu."
CEO của Shell cho biết: "Cuối cùng, các chính phủ là những bên sẽ đưa ra quyết định đánh đổi vô cùng khó khăn trong thời điểm này. Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận với họ để tiếp tục kiểm soát những tác động tiềm tàng đối với an ninh của nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt là ở châu Âu."