Trong khó khăn "ló" ra quyết tâm mới
"Hơn 10 năm trong nghề, chưa bao giờ chúng tôi lại trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần lớn đến vậy. Thực tế, những người làm du lịch như chúng tôi đã bị ảnh hưởng từ Tết âm năm 2019. Cho đến làn sóng dịch lần thứ 4 này tại Hà Nội, tinh thần các bạn nhân viên của PYS Travel gần như kiệt quệ, mệt mỏi. Tôi đã phải xốc lại tinh thần, động viên các bạn nên chấp nhận và đối mặt với những khó khăn, sau đó cùng nhau tìm cách thích nghi với hoàn cảnh hiện tại".
Chia sẻ những lời "gan ruột" như vậy, anh Trần Sỹ Sơn, CEO PYS Travel, cho biết hiện nhân viên trong công ty đều ủng hộ và đồng ý theo đuổi hướng đi mới. Trên thực tế, PYS Travel đã đăng kí giấy phép kinh doanh thực phẩm vào năm 2018 nhưng hơn 1 tháng nay, kể từ đầu tháng 8, sau khi nghiêm túc nhận định tình hình ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, công ty mới chính thức tập trung vào lĩnh vực mới này. Thậm chí, để khẳng định sự quyết tâm này, PYS Travel còn lập cả fanpage cho thương hiệu nhận diện mới.
Anh Sơn bày tỏ sau 3 làn sóng dịch bệnh, số nhân sự của công ty được giữ nguyên, gần 100 người. Tuy nhiên, đến làn sóng dịch bệnh lần này kể từ tháng 5 vừa qua, anh buộc lòng phải chia sẻ thật về tình hình tài chính và số nhân sự đã giảm đi một nửa. Với mảng kinh doanh thực phẩm, anh Sơn mong muốn doanh nghiệp của mình sẽ chủ động hơn với "cuộc chơi" này.
Hình ảnh các đơn hàng được giao đến cho khách hàng.
Hiện tại, theo anh Sơn, chỉ có khoảng 20-25 nhân viên tham gia vào mảng kinh doanh thực phẩm, còn một nửa số nhân viên còn lại vẫn đang thực hiện giãn cách xã hội tại nhà. Trong đó, nhiều hướng dẫn viên được "tận dụng" thực hiện vai trò mới - shipper vận chuyển hàng hoá và đã đều được tiêm vacxin - vì lĩnh vực thực phẩm vẫn được phép hoạt động trong giai đoạn giãn cách xã hội. Có ngày, khách hàng đặt đến 400 box rau củ, chính anh Sơn lại đảm nhiệm vị trí shipper giúp nhân viên.
Tư duy mới và tín hiệu tốt từ thị trường
Chuyển sang kinh doanh thực phẩm, PYS Travel lựa chọn những mặt hàng liên quan đến đặc sản vùng miền bởi doanh nghiệp này trước đó vốn có tiếng trong lĩnh vực du lịch vùng Tây Bắc. Các sản phẩm nổi bật có thể kể đến như cá hồi, cá tầm Sa Pa, bánh chưng gù Hà Giang...
Tuy nhiên, sản phẩm được quan tâm nhất của công ty hiện tại là box rau củ, bao gồm từ 7-12 loại được chọn ngẫu nhiên như rau muống, súp lơ, cà rốt, cà chua, khoai tây... Tiết lộ đây là tín hiệu tốt được khách hàng ủng hộ, anh Sơn chia sẻ: "Kinh doanh rau củ là một hướng đi mới, đặc biệt là dịp Tết trung thu cận kề. Nhiều doanh nghiệp lựa chọn món quà này thay bánh trung thu như mọi năm để tặng đối tác hay nhân viên. Giá một hộp bánh trung thu có thể lên tới 1 triệu đồng còn một box rau củ như hiện nay, có thể thêm trứng, chúng tôi chỉ đang bán với giá 300.000-400.000 đồng, vừa tiết kiệm lại vừa thức thời."
Hình ảnh các nhân viên đang tập kết rau củ tại kho và chuẩn bị đơn hàng.
Mỗi ngày, Bếp Bụng Bự - dự án mới của PYS Travel - nhận được khoảng 100 đơn, trong đó 40-50 đơn lẻ, 20-30 đơn của khách là doanh nghiệp. Với lợi thế làm trong ngành du lịch từ năm 2011, anh Sơn cho biết doanh nghiệp của mình quen biết và có cơ hội hợp tác với các nông trại địa phương chất lượng tốt. Rau củ được chọn lựa kĩ càng từ hợp tác xã an toàn ở Mộc Châu.
Vì mới triển khai lĩnh vực này nên 1/3 khách hàng ủng hộ đến từ tệp khách hàng mua tour trước đó và mới chỉ tập trung ở địa bàn Hà Nội. Trong thời điểm hiện tại, công ty vẫn chọn phương án marketing online để thu hút sự chú ý của các khách hàng mới cũng như đang "chạy" chương trình tặng box rau củ, tri ân khách hàng cũ.
Anh Sơn cho biết thêm: "Giống như khi bán tour, chúng tôi có chương trình "Bảo hiểm vui vẻ" dành cho những khách hàng nào cảm thấy không ưng ý về chuyến đi và muốn bồi hoàn số tiền đóng góp ban đầu. Làm về thực phẩm lần này, chúng tôi cũng có chương trình bảo hiểm tương tự để đảm bảo chất lượng cho khách hàng vì trong lúc di chuyển hay khâu lựa chọn thực phẩm đầu vào, khó có thể chắc chắn 100% chất lượng thực phẩm ổn được. Tất nhiên, tôn chỉ của chúng tôi vẫn là "khách hàng là số 1", nếu chất lượng không khả quan, chúng tôi sẽ gửi lời xin lỗi và giữ lại sản phẩm. Thời gian đầu khi kinh doanh, cá hồi Sa Pa nhập về chất lượng không đồng đều, mấy anh em lại chia nhau ra ăn chứ không phân phối cho khách hàng."
CEO Trần Sỹ Sơn tham gia khâu chuẩn bị cùng nhân viên.
Chi phí vận hành trước dịch của công ty từ 8-10 tỷ đồng/tháng, tuy nhiên trong thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch như hiện nay, chi phí vận hành đã giảm xuống còn hơn 1 tỷ đồng/tháng. Quy mô kinh doanh thay đổi, anh Sơn hi vọng sau thời gian hết giãn cách xã hội, số lượng đơn sẽ lên tới 300-400 đơn/ngày để có thể trả được lương cho toàn bộ số nhân viên hiện tại. Còn với tình hình bây giờ, với 100 đơn/ngày, chỉ có thể duy trì trả 50-60% lương cho một nửa số nhân viên. Các thành viên ban giám đốc cũng chấp nhận nhận 20-30% lương để chủ yếu hỗ trợ cho nhân viên.
"Kế hoạch sắp tới của chúng tôi sau khi đợt dịch này kết thúc vẫn là đầu tư vào mảng thực phẩm một cách nghiêm túc. Bởi chúng tôi nhận định du lịch cũng chưa thể khởi động ngay được vì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Du lịch sẽ là "kênh phụ" của công ty trong giai đoạn này mặc dù các bạn hướng dẫn viên đều nhớ những cung đường lắm rồi, ngoài ra 2 business của PYS Travel vẫn có thể "link" được với nhau, tức là khách mua tour trước đó sẽ được nhận ưu đãi khi mua thực phẩm và khách mua thực phẩm sau này sẽ có nhiều ưu tiên khi chọn đi tour của chúng tôi", anh Sơn bày tỏ.
Ảnh: NVCC.