Quy trình cấp phép nhiều “uẩn khúc”
Như Dân Việt đã đưa tin, Công ty Đức Long được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản tại bãi soi Ninh Tào thuộc xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hoà theo quyết định số 753/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của UBND tỉnh Bắc Giang.
Trong đó tổng diện tích khai thác là 4 ha (gồm đất ổn định của hộ gia đình, cá nhân là 32.043,4m2; đất công ích 7.267,6m2; đất giao thông nội đồng 689m2). Công suất khai thác 24.582m3/năm, trữ lượng khai thác 186.827m3 cát, sỏi và 22.141m3 đất. Thời hạn khai thác 7,5 năm.
Tuy nhiên, trong quá trình bắt đầu khai thác từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Công ty Đức Long liên tục vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh.
Rất đông người dân phản đối hoạt động khai thác cát của Công ty Đức Long
Nguyên nhân là do sự ẩn khuất trong việc cấp phép cho Công ty Đức Long và không tổ chức lấy ý kiến của người dân. Bên cạnh đó, khi tiến hành khai thác, doanh nghiệp này còn khiến một diện tích lớn đất nông nghiệp ở ven bờ sông Cầu sạt lở.
Nói về tình hình nhận chuyển nhượng đất, giữa Công ty Đức Long và hộ dân đến nay, Ông Nguyễn Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Hoà, cho hay còn 9/192 hộ gia đình, cá nhân chưa đồng thuận chuyển nhượng.
Ông Thảo cũng khẳng định, tình trạng một số người dân ngăn cản hoạt động của Công ty Đức Long chỉ là hành vi của “một bộ phận những đối tượng không liên quan” tham gia kích động, gây rối trật tự, huỷ hoại tài sản của doanh nghiệp.
Mặc dù, lãnh đạo huyện Hiệp Hòa liên tục khẳng định việc cấp phép cho Công ty Đức Long là đúng quy trình và tình trạng người dân phản đối chỉ là một bộ phận nhỏ. Tuy nhiên, như Dân Việt đã thông tin, theo đơn thư phản ánh của người dân và ghi nhận trực tiếp hiện trường, hồ sơ của PV, số người dân phản đối việc triển khai dự án không chỉ dừng lại ở con số 9 hộ. Bên cạnh đó, việc chính quyền sở tại không tổ chức các buổi họp lấy ý kiến người dân có đất thuộc dự án cũng khiến dư luận đặt câu hỏi về quy trình cấp phép.
Ngoài ra, việc các thuyền khai thác cát của Công ty Đức Long gây sạt lở đất tại bãi soi Ninh Tào cũng khiến người dân vô cùng bức xúc. Trả lời Dân Việt về tình trạng này, ông Hoàng Văn Thái, Trưởng phòng TNMT huyện Hiệp Hoà cho biết, việc Công ty Đức Long khai thác gây sạt lở vẫn nằm trong diện tích dự án.
“Diện tích 6700 m2 thuộc dự án đã được doanh nghiệp quây tôn. Trong quá trình khai thác nếu xảy ra lở đất thì vẫn đảm bảo tính pháp lý của dự án”, Ông Thái nói.
Như vậy, theo cách giải thích của lãnh đạo phòng TNMT huyện Hiệp Hoà, liệu rằng dư luận có thể hiểu, trong quá trình khai thác, Công ty Đức Long hoàn toàn có thể làm sạt lở toàn bộ 6700 m2 đất mà vẫn “đảm bảo tính pháp lý”?
“Xem nhẹ” lợi ích của người dân?
Để làm rõ tính pháp lý của vụ việc trên, Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP.HCM. Theo nhận định của Luật sư Bình, việc các cấp chính quyền tỉnh Bắc Giang phê duyệt, cấp đất triển khai dự án khi doanh nghiệp chưa đạt thỏa thuận đền bù là thiếu thỏa đáng gây ra tình trạng người dân phản đối.
Cụ thể, theo Luật sư Bình, hiện nay pháp luật về đất đai quy định cụ thể về hai trường hợp thu hồi đất. Thứ nhất là Nhà nước thu hồi đất đối với các dự án sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, Nhà nước chỉ thu hồi đất đối với các dự án đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Hoặc dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư và một số trường hợp được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét thông qua chủ trương thu hồi đất.
Đối với trường hợp thứ hai, chủ đầu tư sử dụng đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh không thuộc các trường hợp Nhà nước thu hồi đất. Trường hợp này, chủ đầu tư và người sử dụng đất tự thỏa thuận thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Như vậy, pháp luật đã quy định cụ thể về các trường hợp mà chủ đầu tư dự án phải thỏa thuận với người sử dụng đất khi muốn thu hồi đất. Quyền lợi của người sử dụng đất được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Khu vực bãi soi thôn Ninh Tào trước khi bị sạt lở.
“Trong trường hợp dự án khai thác khoáng sản tại bãi soi thôn Ninh Tào (Hợp Thịnh, Hiệp Hòa, Bắc Giang), chủ đầu tư chưa đạt được thỏa thuận với người dân, chưa đền bù, mua lại đất của người dân thông qua các hợp đồng như chuyển nhượng, thuê,... Nhưng chủ đầu tư đã tự ý quây diện tích khai thác, theo tôi, nếu Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang đã bàn giao đất cho chủ đầu tư là sai với các quy định pháp luật về đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân”, luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Cụ thể, việc chủ đầu tư phải thỏa thuận người sử dụng đất thông qua các hình thức như nhận chuyển nhượng, thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 73 Luật Đất đai; Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP; Khoản 15, khoản 50 Điều 2 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; Điều 4 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT
Luật sư Bình bình luận về việc người dân thôn Ninh Tào bị mất tư liệu sản xuất là đất đai khi bị doanh nghiệp “chiếm đóng” dẫn đến tình trạng bức xúc. Qua đó, va chạm với chủ đầu tư ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương căn nguyên là do chưa được đền bù thỏa đáng.
“Trong trường hợp này, cần xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở TN&MT tỉnh Bắc Giang. Làm rõ lý do vì sao chưa thỏa thuận, đền bù hợp lý đã bàn giao đất cho chủ đầu tư triển khai dự án?”, luật sư Bình cho hay.
Hiện trạng khai thác khiến đất ven bờ sông Cầu khu vực bãi soi thôn Ninh Tào sạt lở
Đối với trường hợp thu hồi đất công ích, Luật sư Diệp Năng Bình thông tin thêm, theo Luật đất đai 2013 có quy định không được bồi thường về đất nhưng được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại. Vấn đề này được thể hiện cụ thể tại Điều 76.
Với việc dự án còn quá nhiều “uẩn khúc” gây bức xúc như vậy, liệu rằng chính quyền tỉnh Bắc Giang có câu trả lời thỏa đáng cho dư luận xã hội, cũng như người dân thôn Ninh Tào, xã Hợp Thịnh?
Báo Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!