CTCP cao su Phước Hòa (mã chứng khoán: PHR) đã công bố báo cáo tài chính riêng quý 3/2021 với doanh thu thuần tăng 23% so với cùng kỳ lên mức 281,5 tỷ đồng.
Chi phí giá vốn tăng nhẹ hơn, chỉ 12% giúp lợi nhuận gộp đạt xấp xỉ 39 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với quý 3/2020. Khấu trừ đi các khoản chi phí, công ty mẹ PHR báo lãi thuần từ hoạt động kinh doanh gần 68 tỷ đồng, tăng mạnh 146% so với thực hiện trong cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, do không còn lợi nhuận từ tiền đền bù đất dự án khu công nghiệp, nên khoản mục lợi nhuận khác giảm mạnh từ gần 141 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 424 triệu đồng. Kết quả, lãi sau thuế của công ty mẹ PHR ghi nhận gần 64 tỷ đồng, tương ứng giảm 54% so với quý 3/2020.
Hồi tháng 7, HĐQT PHR đã định hướng một số chỉ tiêu sản xuất kinh doanh quý 3/2021 đối với công ty mẹ, cụ thể là tổng doanh thu kỳ vọng đạt 318,5 tỷ đồng, tương đương xấp xỉ 15% kế hoạch năm và mục tiêu lợi nhuận trước thuế quý 3 khá khiêm tốn với 10 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, công ty mẹ PHR đạt 872 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 60% so với cùng kỳ tuy nhiên LNST ghi nhận giảm mạnh tới 77% về còn 122 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm 2021, công ty mẹ PHR đã hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu, song mới hoàn thành hơn 16% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Nguồn BCTC riêng quý 3/2021 của PHR
Tính đến 30/9/2021, quy mô tổng tài sản của công ty mẹ PHR đạt 3.417 tỷ đồng, trong đó tài sản dài hạn chiếm khoảng 67%, ghi nhận 2.295 tỷ đồng. Ngoài ra doanh nghiệp có gần 69 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, tương ứng giảm 74% so với đầu năm, chủ yếu do việc bị âm 155 tỷ tiền từ hoạt động kinh doanh.
Về nguồn vốn, tại thời điểm cuối quý 3/2021 công ty mẹ PHR không còn nợ vay tài chính ngắn hạn, trong khi vay dài hạn tại Shinhan Việt Nam có dư nợ gốc hơn 28 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối còn hơn 266tỷ đồng.
Trên thị trường, cổ phiếu PHR chốt phiên 12/10 giảm nhẹ 400 đồng về mức 53.400 đồng/cổ phiếu.
Diễn biến cổ phiếu PHR 1 năm gần đây