Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (mã chứng khoán: TIG) - công ty mẹ của Công ty CP Thăng Long Phú Thọ - Chủ đầu tư dự án Vườn Vua có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ, chính là đơn vị "dính" hàng loạt sai phạm trong kết luận Thanh tra số 295/KL-TNMT ngày 19/2/2020 của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ như: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đúng quy định đối với 108.266,5m2 đất nuôi thủy sản và đất mặt nước chuyên dùng sang đất thương mại dịch vụ với mục đích xây biệt thự nghỉ dưỡng, xây quầy bar, karaoke, sân tập golf... và khai thác nguồn nước ngầm trái phép.
Thiệt hại 200 tỷ sau nghi vấn sai phạm "khủng" tại dự án nghìn tỷ Vườn Vua
Trong thời gian qua, cổ phiếu TIG liên tục sụt giảm. Nếu tính tại mức giá ngày 16/3/2020 thì cổ phiếu TIG đã mất giá 800 đồng, tương đương sụt giảm 13,3% giá trị thị trường và gây thiệt hại cho toàn bộ cổ đông TIG là 66.120.000.000 đồng. Nếu tính từ đỉnh giá hôm 25/2/2020 là 7.600 đồng, thì cổ phiếu TIG đã mất 2.400 đồng, tương đương 31,5% giá trị thị trường và gây thiệt hại là 198.360.664.800 đồng.
Trên thực tế, suốt từ ngày 10/3 cho đến kết thúc phiên giao dịch ngày hôm qua, cổ phiếu TIG "cắm đầu đi xuống" theo xu hướng chung của thị trường chứng khoán trong nước và thế giới vì tâm lý sợ hãi của các nhà đầu tư trước đại dịch Covid-19?
Trong phiên giao dịch sáng nay, TIG đảo chiều tăng 9,3% lên giao dịch tại mức 4.700 đồng/cp.
Trong năm 2019, cổ phiếu TIG của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long nằm trong top 10 cổ phiếu "phi nước đại" khi tăng tới 178% từ vùng giá 2.300 đồng/cp lên vùng giá 6.400 đồng/cp (chốt phiên giao dịch cuối năm 2019).
Chỉ tính riêng trong 3 tháng cuối năm kể từ giữa tháng 9/2019, giá TIG tăng 150% và tạo đỉnh vào ngày 10/12/2019 tại mức giá 7.100 đồng/cp.
Sức khỏe tài chính của TIG
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính của Công ty CP Tập đoàn đầu tư Thăng Long (TIG) trong vài năm trở lại đây đều ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đơn cử như năm 2016, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 178 tỷ đồng và lãi trước thuế 56 tỷ đồng. Tới cuối năm 2019, doanh thu thuần đạt tới 304 tỷ đồng và 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 5 năm, chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận của TIG tăng trưởng lần lượt là 1,7 và 2,7 lần.
Nếu so với mức doanh thu 66 tỷ năm 2010 và lãi trước thuế 35 tỷ đồng, thì doanh thu và lợi nhuận của TIG tăng trưởng trên 4 lần sau 10 năm.
Tuy nhiên, trong đó có tới 7/10 năm doanh nghiệp rơi vào tình trạng "phá sản" mục tiêu lợi nhuận do nhiều dự án của Công ty trong tình trạng trì trệ.
Đơn cử như năm 2015, TIG chỉ đi được 76% kế hoạch lợi nhuận, 35% (2016), năm 2017 và 2018 lần lượt đạt 56% và 60%.
Mãi cho tới năm 2019 vừa qua, với 150 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, TIG mới làm "mát lòng" các cổ đông khi hoàn thành 110% kế hoạch lợi nhuận trước thuế, tăng 100% so với năm trước và đánh dấu cột mốc trở lại của Công ty khi không còn là doanh nghiệp họ 'hứa'.
Kết quả này có được nhờ sự "đột biến" về doanh thu trong quý IV/2019. Lãnh đạo của TIG từng thừa nhận, dự án Vườn Vua Resort & Villas quy mô 84,9ha sẽ giúp TIG bứt phá từ quý IV/2019 nhờ lượng khách du lịch đến ở tăng mạnh và đóng góp lợi nhuận của khu biệt thự nghỉ dưỡng 13ha. Dự án Vườn Vua Resort & Villas, tọa lạc tại tỉnh Phú Thọ do Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ làm chủ đầu tư (đây là đơn vị TIG có 60% vốn).
Mặc dù kết quả lợi nhuận có phần tích cực song lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh lại chuyển từ trạng thái dương 145 tỷ năm 2018 sang âm 108 tỷ đồng vào cuối năm 2019. Biến động lớn nhất đến từ các khoản phải thu, phải trả và hàng tồn kho của doanh nghiệp. Trước đó, năm 2017, dòng tiền kinh doanh của TIG cũng âm tới 56 tỷ đồng. Năm 2016 và 2015 âm lần lượt 154 tỷ và 34 tỷ đồng.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản của TIG là hơn 1.502 tỷ đồng, tăng khoảng 370 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị bất động sản đầu tư gần 60 tỷ đồng và hơn 108,5 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn.
Đáng chú ý, trong 108,5 tỷ đồng tài sản dở dang dài hạn, Dự án Khu sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua – dự án đang thu hút sự quan tâm của dư luận liên quan đến những sai phạm của Công ty cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ chiếm hơn 60%, tương ứng 68 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần số đầu năm.
Hết quý IV/2019, nợ phải trả của TIG tăng từ 131 tỷ lên 281 tỷ đồng, trong đó gần 90% là nợ ngắn hạn. Vốn đầu tư của chủ sở hữu 826,5 tỷ đồng vốn chủ sở hữu 1.221 tỷ đồng, tăng hơn 220 tỷ so với đầu năm