Theo tài liệu cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên, Khách sạn và Dịch vụ Đại Dương (HNX: OCH) đánh giá doanh thu bánh kẹo của thị trường Việt Nam năm 2019 tăng khoảng 8%. Doanh nghiệp sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền và bánh Girval đánh giá thị trường bánh ngọt hiện nay cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự đóng góp của rất nhiều thương hiệu trong và ngoài nước.
Cụ thể, các thương hiệu trong nước như Đại Phát, Sweethome, ABC bakery đang từng bước phát triển. Đặc biệt sự nổi lên của ABC Bakery trong việc cung cấp bánh Trung Thu cho các nhà hàng khách sạn lớn và cũng là nhà cung cấp bánh bun (bánh mì tròn để làm hambuger) cho các thương hiệu fastfood lớn như KFC, Loteria, Jollibee...Các thương hiệu bánh lớn nổi tiếng của nước ngoài như Tous LesJous, Paris Bagettes với tiềm lực mạnh vẫn tiếp tục đầu tư vào nhưng vị trí lớn và đẹp, trưng bày bánh nhiều, đa dạng, chấp nhận lỗ để chiếm lĩnh thị trường. Khó khăn lớn nhất trong ngành bánh ngọt là các hãng thường xuyên tung ra rất nhiều sản phẩm mới trên thị trường, trong khi số lượng sản phẩm mà khách hàng trung bình mua sắm không tăng nhanh bằng số lượng sản phẩm mới ra đời.
Việc tung quá nhiều sản phẩm mới sẽ gây khó khăn trong việc quản lý hiệu quả kinh doanh và làm tăng chi phí đầu tư, làm cho việc cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn, không chỉ cạnh tranh trong cùng một ngành hàng mà còn giữa các ngành hàng khác nhau, buộc các nhà sản xuất phải không ngừng cải tiến.
"Đặc biệt xuất hiện trào lưu mới cho giới trẻ là sản phẩm trà sữa. Trà sữa đang thu hút giới trẻ tại các thành phố lớn trên toàn quốc và làm ảnh hưởng đến sức tiêu thụ của các sản phẩm tiêu dùng khác, trong đó có sản phẩm bánh", ban lãnh đạo công ty đánh giá.
Đối với hoạt động kinh doanh khách sạn và khu nghỉ dưỡng, OCH cho biết thị trường khách Trung Quốc sụt giảm mạnh do thay đổi điểm đến và tập trung vào các khách sạn giá rẻ. Khách Nga vẫn tiếp tục sụt giảm, hầu hết đã chuyển điểm đến Phan Thiết Mũi né và Phú Quốc. Bên cạnh đó, chuỗi khách sạn 5 sao của tập đoàn Vingroup liên tục mở ra và bán voucher (full board) với giá hấp dẫn cộng thêm các tiện ích giải trí hấp dẫn khác. Thị trường trong năm 2019 dự đoán vẫn còn nhiều biến động khó lường vì có nhiều khách sạn 4-5 sao liên tục khai trương, ngoài yếu tố tạo sự cạnh tranh về giá không lành mạnh, còn là mối đe dọa về mất nguồn nhân lực.
Thực tế trong tháng đầu năm 2019, các khách sạn của OCH buộc phải điều chỉnh giảm giá thì mới có thể cạnh tranh được, điều đó đã làm cho giá phòng bình quân bị giảm so với kế hoạch đã lập từ đầu năm.
Công ty đặt kế hoạch năm 2019 đạt 1.147 tỷ đồng tổng doanh thu giảm 0,77% so với thực hiện 2018. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 17 tỷ đồng, giảm đến 80% so với 2018.
OCH cho biết dự án Sài gon Airport mà công ty đang sở hữu 40% nhưng dự án đang thế chấp tại OceanBank. HĐQT công ty có nghị quyết về việc chuyển nhượng dự án này nhưng chưa thực hiện bán được do cổ đông lớn phản đối việc chuyển nhượng. Vì vậy, kế hoạch năm 2019 chưa tính đến doanh thu và lợi nhuận từ việc chuyển nhượng dự án Sài Gòn Airport.
Tháng 12/2018 Khách sạn Sunrise Hội An bị cục thi hành án dân sự kê biên để xử lý khoản nợ tại Công ty IOC. Việc kê biên, xác định phương thức xử lý, thời điểm xử lý và kết quả xử lý tài sản có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của OCH trong năm 2019. Do chưa xác định được thời điểm Khách sạn Sunrise Hội An bị xử lý tài sản và phương thức xử lý tài sản, nên tạm thời Ban điều hành vẫn đặt mục tiêu và kế hoạch dựa trên giả định Sunrise Hội An vẫn hoạt động bình thường trong năm tới.
Năm 2018, OCH đạt 44 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cải thiện hơn nhiều so với mức lỗ 3,7 tỷ đồng của năm 2017. Quý I/2019, OCH lỗ hơn 13,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 9,4 tỷ đồng.
Tại kỳ cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên lần này, OCH sẽ tiến hành bầu mới thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2019 - 2024.
Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên sẽ diễn ra vào sáng ngày 25/6 tại Fafilm Cinema, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.