Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền lớn hiện khá thận trọng và có xu hướng bảo thủ hơn giai đoạn "ngập tiền" 2006 – 2007.
TIỀN NHÀN RỖI CỦA DOANH NGHIỆP NIÊM YẾT TĂNG MẠNH
Thống kê báo cáo tài chính của hơn 600 doanh nghiệp (không bao gồm nhóm công ty chứng khoán và ngân hàng, bảo hiểm) đang giao dịch cổ phiếu trên 2 Sở Giao dịch Chứng khoán cho thấy, tại ngày 30/09/2020, chỉ tính riêng số dư đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 316.000 tỷ đồng, tương ứng hơn 13,6 tỷ USD, tăng 21% so với cuối tháng 9/2019. Nếu tính cả các công ty chứng khoán và bảo hiểm số dư này lên đến 502.345 tỷ đồng, tương đương gần 22 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Gần 60 doanh nghiệp đang có số dư đầu tư tài chính ngắn hạn trên 1.000 tỷ đồng. Nhóm gần 60 doanh nghiệp này đang nắm giữ hơn 250.490 tỷ đồng, tăng 25% so với 12 tháng trước.
Có khoảng 350 doanh nghiệp có số dư đầu tư tài chính ngắn hạn tại ngày 30/09/2020 từ mức 40 tỷ đồng trở lên, với tổng giá trị 312.662 tỷ đồng, bằng 13,5 tỷ USD, tăng 23% so với cuối tháng 9/2019.
Đầu tư tài chính ngắn hạn bao gồm các khoản tiền gửi và trái phiếu ngắn hạn có kỳ hạn từ 3 tháng đến 1 năm và chứng khoán kinh doanh. Đối với tiền gửi kỳ hạn và trái phiếu, các doanh nghiệp đang gửi có mặt bằng lãi suất từ 4,2% - 8,65%/năm, thậm chí 11,5%/năm.
"RÓT" TIỀN THÊM VÀO CHỨNG KHOÁN RẤT ÍT
Thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, số nhà đầu tư tổ chức trong nước mở tài khoản đầu tư chứng khoán tăng thêm 736 tài khoản, riêng quý 3 các tổ chức trong nước đã mở thêm 266 tài khoản.
Các nhà phân tích cho rằng, vì dịch Covid – 19, nhiều doanh nghiệp đã dừng các dự án đầu tư mở rộng sản xuất nên có lượng tiền lớn "nhàn rỗi" đang nằm trong tài khoản của các doanh nghiệp. Một phần tiền nhàn rỗi này sẽ đi vào thị trường chứng khoán để các doanh nghiệp tranh thủ "kiếm lời", gia tăng giá trị. Bởi mặt bằng lãi suất huy động đang ở mức thấp và có xu hướng giảm; thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khoảng 15% trong quý 3, kỳ vọng đà tăng vẫn còn do được hỗ trợ bởi nhiều thông tin tích cực.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, các doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền lớn hiện khá thận trọng và có xu hướng bảo thủ hơn giai đoạn "ngập tiền" 2006 – 2007.
Ước tính hơn 95% giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng không quá 12 tháng, chỉ có khoảng 5% giá trị còn lại là số dư các khoản đầu tư vào chứng khoán (cổ phiếu bao gồm cổ phiếu OTC) và trái phiếu các ngân hàng/doanh nghiệp.
Ngay trong Top 10 doanh nghiệp có số dư đầu tư tài chính lớn nhất gồm: ACV, PV GAS (mã: GAS), Vinamilk (mã: VNM), Sabeco (mã: SAB), VEA, MWG, FPT, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (mã: GVR), HPG, Petrolimex (mã: PLX) chỉ có Vinamilk và Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Petrolimex có số dư rất nhỏ liên quan đến đầu tư cổ phiếu; FPT có số dư hơn 35 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn khác. Và các khoản đầu tư cổ phiếu của 2 trong 3 doanh nghiệp nói trên đã phát sinh trong quá khứ.
Các doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền lớn có đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng có lãi suất từ 7,5% đến 7,8%/năm, thậm chí lên đến 11,5%/năm như: Thuỷ sản Minh Phú (đầu tư trái phiếu Vietcombank); HC3, TPP, Tập đoàn Công nghệ CMC (mã: CMC), GEX, Everpia (mã: EVE)… Trong đó khoản đầu tư vào trái phiếu Sunshine Group của EVE có lãi suất khá cao 11,5%/năm.
Các doanh nghiệp đang nắm giữ lượng tiền lớn có đầu tư vào cổ phiếu: FIT, MHC, SCI, S99, GEC, FLC, Vĩnh Hoàn (mã VHC), Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã: NDN), HC3, DSN, Cao su Phước Hoà (mã: PHR), CII, EVE…. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh đã phát sinh từ trong quá khứ như: REE, PHR, IMP, SAF, DHA…