Cập nhật mới đây, Công ty TNHH Một thành viên Tùng Trí Việt vừa báo cáo bán ra gần 1,2 triệu cổ phiếu TVB của CTCP Chứng khoán Trí Việt, qua đó giảm lượng cổ phần nắm giữ tại TVB từ 5,7 triệu đơn vị (5,36% vốn) xuống còn hơn 4,5 triệu đơn vị (4,24% vốn). Như vậy, Tùng Trí Việt đã không còn là cổ đông lớn tại TVB.
Giao dịch diễn ra trong phiên 18/11 thông qua khớp lệnh và thỏa thuận. Phiên giao dịch này ghi nhận thị giá TVB tăng kịch trần lên mức đỉnh lịch sử mới tại 31.450 đồng/cổ phiếu.
Thị giá TVB đã tăng gấp gần 4 lần so với đầu năm
Về mối quan hệ, ông Phạm Thanh Tùng là Chủ tịch HĐQT của TVB đồng thời cũng đang đảm nhiệm chức danh Chủ tịch tại Tùng Trí Việt.
Diễn biến cùng chiều, chính ông Tùng cũng đang đăng ký bán ra hơn 804 nghìn cổ phiếu TVB, qua đó giảm lượng cổ phiếu nắm giữ xuống còn hơn 275 nghìn đơn vị, tương ứng 0,26% vốn. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 18/11 đến 17/12/2021 theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Một lãnh đạo khác là ông Đỗ Đức Nam, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc TVB cũng đăng ký bán 150 nghìn trên tổng số 200 nghìn cổ phiếu đang sở hữu, giảm tỷ lệ nắm giữ về mức 0,047% vốn. Thời gian giao dịch dự kiến từ 23/11 đến 22/12/2021.
Chia sẻ về việc ban lãnh đạo và Công ty Tùng Trí Việt đăng ký bán ra cổ phiếu TVB trong thời gian qua, Chủ tịch Phạm Thanh Tùng cho biết về khía cạnh quản trị, nếu cổ đông sáng lập nắm giữ quá cao thì hoạt động quản trị không tốt, bị chi phối bởi một cá nhân. Tỷ lệ sở hữu của cổ đông sáng lập với công ty mức vốn hóa lên đến chục ngàn tỷ chỉ nên từ 10% -15% là hợp lý.
"Tôi mong muốn mình là “Người làm thuê cao cấp” để được phụng sự và cống hiến cho Tập đoàn tỷ USD, có tầm ảnh hưởng trên thị trường thay, vì làm ông Chủ cho công ty có quy mô nhỏ bé", ông Tùng nêu lên quan điểm của mình.
Đặc biệt, với mục đích để dành tỷ lệ sở hữu từ 20-30% cho nhà đầu tư nước ngoài thì ông Tùng cho rằng phải giảm tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn. Cơ cấu sở hữu hợp lý là 3-3-4 (theo đó 30% nhóm cổ đông sáng lập và nội bộ, 30% cổ đông chiến lược/tổ chức và 40% cho cổ đông đại chúng).
Cổ phiếu TVB đã cho thấy sức hấp dẫn khi khối lượng mua ròng của khối ngoại tăng đột biến, đạt hơn 20 tỷ giá trị giao dịch trong 30 phiên gần đây. ĐHĐCĐ bất thường vừa qua cũng đã thông qua kế hoạch dành 30% room cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và chào bán cổ phần với giá 30.000 đồng/cp cho cổ đông chiến lược, đồng thời công ty cũng đang xúc tiến kế hoạch chào bán cho các đối tác chiến lược Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ.
Sự quan tâm đột biến của các nhà đầu tư có thể xuất phát từ kết quả kinh doanh và tiềm năng tăng trưởng ấn tượng của TVB. Công ty đã ghi nhận lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 201,9 tỷ, gấp 3,7 lần so với cùng kì, vượt kế hoạch 101%. Tỷ suất LNST/Doanh thu của TVB là 66%, biên lợi nhuận hoạt động tự doanh duy trì ở mức cao 91,4%, lọt top đầu các công ty chứng khoán về hiệu quả lợi nhuận ròng.
Tại ĐHĐCĐ bất thường của TVB đã tăng kế hoạch doanh thu lên 450 tỷ (tăng 188%) và lợi nhuận sau thuế lên 300 tỷ đồng (gấp 3 lần so với kế hoạch đầu năm). Với việc điều chỉnh này, TVB là công ty chứng khoán công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cao nhất trên thị trường đến thời điểm hiện tại.
Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ lên gấp 2 lần thông qua phát hành cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 trong năm 2022 qua đó gia tăng năng lực tài chính của Công ty.
Trong năm 2021 giá cổ phiếu của TVB đã tăng từ 8.000 đồng/cp đầu năm vượt lên trên vùng giá 31.000 đồng/cp thời điểm hiện nay, tương ứng gấp gần 4 lần so với đầu năm.
Với EPS trượt 4 quý gần nhất là 3.054 đồng/cp, P/E của TVB là 8,5 lần, thấp hơn so với mức 12 lần của bình quân P/E ngành chứng khoán.