Đảm nhận bảo dưỡng máy lọc không khí trên máy bay, anh Phùng Thanh Hòa tự xem mình là người lau điều hòa, song đây là điều hòa đặc biệt - hệ thống lọc không khí hiệu năng cao (HEPA) của dòng Airbus 350 - cả VN chỉ 14 chiếc.
Đó từng là công việc "kể nôm na" cũng được trong gần 20 năm. Nhưng đến năm 2020, bỗng nhiên việc "đi làm" với anh Hòa lại trở thành một vấn đề.
Đảm nhận việc bảo dưỡng máy lọc không khí trên máy bay, anh Phùng Thanh Hòa tự xem mình là người "lau điều hòa" |
Khi hoạt động ngành hàng không toàn thế giới bị hạn chế vì dịch bệnh, nhiều điểm đến trên thế giới chủ động "thu quân", cắt giảm hoặc làm việc với chế độ giãn cách để giảm tiếp xúc đến mức tối thiểu. Máy bay Vietnam Airlines sẽ phải "mang theo" kỹ sư để tự kiểm tra và bảo dưỡng. Nằm trong số kỹ thuật viên có chứng chỉ B, đủ điều kiện bay, năm 2020 của anh Hòa được đếm bằng những lần theo đoàn bay quốc tế, sau đó tự cách ly 14 ngày.
Đó là ngày 29-7-2020, chuyến bay của Vietnam Airlines đưa 219 người Việt hồi hương từ Guinea Xích Đạo. 120 người trong số này dương tính với SARS-CoV-2. Thông thường, sau thời gian sử dụng tối đa khoảng 6 tháng, các lõi HEPA này mới cần thay mới. Song sau chuyến hồi hương lịch sử, cả hệ thống lọc không khí được thay mới, thay vì chỉ bảo trì để tuyệt đối hạn chế các khả năng lây lan dịch bệnh. Toàn bộ việc tháo lắp, thay mới và kiểm tra này được 2 kỹ thuật viên thực hiện trong gần 2 giờ.
"Sợ" là cảm giác không tránh khỏi của người thợ máy khi làm nhiệm vụ kiểm tra chiếc máy bay Airbus350 chiều hôm đó. Anh sợ khả năng lây nhiễm, không chỉ cho bản thân, mà cho cả gia đình, cộng đồng.
Thời điểm đó Hòa nhớ đến cha mình. "Sân bay đã thay đổi, máy móc đã hiện đại hơn nhiều. Chỉ có bài học về lòng yêu nghề bố dạy là không bao giờ cũ".
24 năm trước, Hòa lên chuyến bay đầu tiên trong đời. Bố anh khi ấy là một kỹ thuật viên hàng không của sân bay quân sự trong Đà Nẵng, sống xa vợ con gần như nửa đời người. Hòa 10 tuổi. Sau cái gật đầu của mẹ, được đồng đội của bố dắt đi theo ra sân bay 919, huyện Gia Lâm để bay vào thăm bố.
Phi trường khi ấy cỏ còn mọc um tùm, lác đác mấy chiếc máy bay quân sự song cũng đủ khiến Hòa nhìn không chớp mắt. Chiếc AN26 chở khí tài chỉ có 2 hàng ghế, xóc bần bật, kêu đinh tai từ lúc cất cánh đến khi hạ cánh. Cả một vùng đồng ruộng mênh mông qua cửa kính máy bay đã ở dưới chân.
Ước mơ của hầu hết các đứa trẻ mọi thời đại đã thành hiện thực với Hòa từ khi mới 10 tuổi. Ước mơ tiếp bước chân cha cũng nhen nhóm trong anh ngay từ giây phút ấy. Lớn lên, khi bạn bè còn đang phân vân trước những cánh cửa cuộc đời, lựa chọn đầu tiên của anh là đăng ký khoa Kỹ thuật Hàng không. Anh trở thành sinh viên khóa 45 của ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng quyết tâm, ra trường sẽ làm việc cho hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Hai nhân viên kỹ thuật xách hòm dụng cụ, bước lên những bậc thang sắt phía đuôi chiếc máy bay A350. Trong bộ đồ bảo hộ kín từ đỉnh đầu đến gót chân, khẩu trang và chiếc kính chắn giọt bắn, họ giống hệt hàng trăm nhân viên VietnamAirlines khác đang làm các nhiệm vụ khác nhau trên phi trường.
Trong hầm hàng rộng khoảng 60 m2, hai người mở hòm dụng cụ, lấy hai tay quay mở ốc, gắn các đầu socket trông như những đầu đạn nhọn. Tiến về phía tấm vách ngăn vị trí đang đứng với khoang hành khách, hai người bắt đầu tháo rời những tấm panel kim loại, chi chít hàng trăm con ốc vít và các biển cảnh báo bằng tiếng Anh.
Điều hòa trong khoang lạnh ngắt không ngăn được mùi dung dịch sát khuẩn Chloramine- B đồng nghiệp vừa phun khắp tàu bay xộc lên mũi. Hai người thợ máy phì phò thở qua lớp khẩu trang. Kính bảo hộ đục mờ hơi nước. 32 con ốc đã nằm gọn dưới chân, hai tấm panel được gỡ ra, để lộ chằng chịt những đường dây kim loại, mạch điện và một khoang sâu hun hút.
Hai người kiễng chân, bốn cánh tay luồn vào trong thận trọng, rút ra 2 ống lưới kim loại dạng trụ rỗng, mỗi chiếc cao chừng nửa mét, một lớp bụi xám phủ quanh. Một người cầm đèn pin rọi vào trong quan sát khắp trên dưới, trong khi người còn lại bóc kiện hàng, lấy ra 2 kết cấu giống hệt để thay thế 2 ống cũ. Người soi đèn pin tiếp tục kiểm tra thêm một lần trước khi họ lặp lại công việc với 32 con ốc và 2 tấm panel, nhưng lần này là để lắp chúng vào.
Những ống lưới kim loại rỗng này thực chất là hệ thống HEPA (High Efficiency Particulate Air), Bộ lọc không khí hiệu suất cao, giúp loại bỏ 99,99% các tạp chất trong không khí. HEPA được cấu tạo từ hàng chục lớp vi sợi chồng nhau, đường kính mỗi sợi chỉ 0,2 - 2 micromet, tức bằng 1/400 kích thước sợi tóc.
Cứ mỗi 3 phút, HEPA giúp không khí từ ngoài vào được làm mới hoàn toàn, và gần như vô trùng, như một phòng phẫu thuật của bệnh viện. HEPA được tổ chức Y tế Thế giới đánh giá như "vũ khí" mới của ngành hàng không toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19 và chính thức được VietnamAirlines đặt hàng nhà sản xuất trang ngay từ thời điểm tiếp nhận, giúp giảm xuống tối thiểu nguy cơ lây lan vi khuẩn, virus trên các chuyến bay. Ở Việt Nam, hãng Hàng không quốc gia cũng là đơn vị duy nhất sở hữu những chiếc máy bay được trang bị hệ thống lọc không khí này.
"Máy bay to như vậy, kiểm tra hết sao được?". Nghe câu hỏi, anh Hòa cười, chìa ra một xấp tài liệu hướng dẫn bằng tiếng Anh, 18 trang giấy rồi quả quyết "Chưa kiểm tra hết tất cả những danh mục này, máy bay không được phép cất cánh, dù chỉ là một con ốc vặn lỏng".
Trong nhận thức nghề nghiệp của những nhân viên kỹ thuật, chuyến bay an toàn là khi các thiết bị vận hành trơn tru, hạ cánh cất cánh đúng giờ, và êm ái. Song công việc của hàng trăm nhân viên hàng không như anh Hòa cũng thay đổi từ khi Covid-19 bùng phát tại Việt Nam. Khái niệm "bay an toàn" của VietnamAirlines trở nên khắt khe hơn bao giờ hết.
Các kịch bản phòng dịch được Hãng hàng không quốc gia phân làm 4 cấp độ: Chuyến bay thường, chuyến bay có khách đi về từ vùng dịch, chuyến bay quốc tế có khách và chuyến bay quốc tế chở hàng hoá. Ứng với các cấp độ này là những phương pháp đảm bảo an toàn khác nhau, song đều có điểm chung, được phun khử khuẩn 100% và đảm bảo an toàn đến mức tối đa. Công việc của nhóm kỹ thuật viên của anh Hòa cũng thay đổi. Nội dung công việc của họ vẫn vậy, nhưng nảy sinh thêm nhiều phần việc khác.
Tối qua, anh Hòa cùng đồng nghiệp lại chuẩn bị bước vào chuyến bay vận chuyển hàng sang Ấn Độ. Trong 2 giờ dừng đỗ tại phi trường nước bạn, anh Hòa vẫn sẽ làm nhiệm vụ lặp lại 14 năm nay. Anh sẽ vác theo chiếc hòm dụng cụ quen thuộc, đi hết bên ngoài bên trong máy bay, kiểm tra toàn bộ danh mục thiết bị trải kín 18 trang giấy A4 rồi nạp dầu mỡ nhiên liệu cho hành trình bay về, khi chắc chắn, mọi thứ đã thực sự an toàn.
Hình ảnh về một buổi làm việc của những người "thợ lau điều hòa máy bay":
(Theo Người Lao Động)