Nhà máy của Eric Li sản xuất chụp đèn thuỷ tinh cho các công ty, chẳng hạn như Home Depot. Công ty này đang phải gồng mình sản xuất khi doanh số bán hàng tăng gấp đôi trước mức đại dịch xảy ra.
Nhưng giống nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác, ông không có kế hoạch mở rộng sản xuất – một sự thận trọng có thể chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay, kéo dài tình trạng thiếu hàng hoá trên toàn thế giới khi nhu cầu tăng lên.
Giá nguyên liệu thô tăng đồng nghĩa "biên lợi luận giảm xuống", Li, chủ sở hữu của Huizhou Baizhan Glass (Quảng Đông, Trung Quốc) giải thích. Sự phục hồi kinh tế toàn cầu chưa đồng đều, "tương lai rất không rõ ràng, vì vậy chúng tôi không có nhiều động lực để mở rộng công suất", ông nói thêm.
Giá nguyên liệu đầu vào cao, triển vọng xuất khẩu không chắc chắn, nhu cầu trong nước phục hồi yếu khiến đầu tư vào sản xuất của Trung Quốc trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 4 thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm trước.
Quy mô sản xuất quá lớn của Trung Quốc gây ra rủi ro cho tăng trưởng của quốc gia này, dự kiến đạt 8,5% năm 2021, theo đánh giá của Bloomberg.
Lợi nhuận giảm
Đầu tư yếu vào sản xuất có thể tác động "đáng kể" đến tăng trưởng GDP của Trung Quốc, Li-gang Liu – nhà kinh tế học của Citigroup cho biết. Đầu tư thấp có thể làm giảm nhập khẩu tư liệu sản xuất, thiết bị từ các nền kinh tế phát triển như Nhật Bản, Đức, "kéo theo phục hồi kinh tế chậm của họ", ông nói thêm.
AnHui Hero Electronic Sci &Tec là một trong những công ty điển hình đối mặt với tình trạng khó khăn hiện tại. Công ty này sản xuất tụ điện dùng làm mạch điện tử, với doanh số chủ yếu đến từ thị trường nội địa. Jing Yuan – người sáng lập công ty, cho biết đơn hàng tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận giảm 50% do chi phí nguyên vật liệu tăng. Đây là phần tăng không dễ để họ chuyển lại cho khách hàng.
Đầu tư mở rộng sản xuất của Trung Quốc hiện vẫn thấp hơn giai đoạn trước đại dịch.
Ông nói, công ty đang phải chịu áp lực tiền mặt lớn vì họ phải trả trước nửa tháng khi giao hàng để đảm bảo đủ nguồn cung đồng và các kim loại khác. "Vấn đề hàng hoá đang được chính phủ giải quyết", ông cho biết.
Trong một cuộc khảo sát thường xuyên với hơn 500 công ty Trung Quốc của Standard Chartered, tâm lý đầu tư của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Trung Quốc đang ở mức thấp hơn cả giai đoạn 2018 – 2019 – khi những bất ổn của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cản trở các kế hoạch mở rộng sản xuất.
Thiếu tự tin
Trong khi một số lĩnh vực định hướng xuất khẩu đã được đẩy đến mức giới hạn, vẫn còn sự trì trệ nhất định đối với các nhà sản xuất nhắm đến người tiêu dùng Trung Quốc do nhu cầu trong nước giảm.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ tại Trung Quốc trong tháng 4 đạt mức 4,3%, chưa bằng một nửa so với tỷ lệ tăng trưởng trước đại dịch (ngay cả khi đã loại bỏ các tác động cơ bản từ đại dịch). Công suất tổng của các nhà máy sản xuất ở Trung Quốc đã giảm xuống 77,6% trong quý I, so với mức 78,4% trong 3 tháng trước đó. Lĩnh vực ô tô ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng dư thừa công suất sau 3 năm sụt giảm doanh số bán hàng.
Ngay cả với lĩnh vực xe điện, vốn có doanh số bán hàng tăng mạnh, hầu hết công ty đều đã hoàn thiện các dây chuyền sản xuất để đạt đủ công suất và giờ tập trung vào nâng cấp hạ tầng. "Phần lớn các khoản đầu tư đã được thực hiện", Jochen Siebert của JSC Automotive Consulting cho biết.
Năm ngoái, Trung Quốc yêu cầu các công ty nhà nước mở rộng quy mô với mức tăng trưởng đầu tư là 5,3%. Mức này vượt xa đầu tư tư nhân chỉ tăng 1%. Nhưng để có được đầu tư bền vững, thị trường cần phải có sự tự tin.
Carsten Holz, chuyên gia thống kê đầu tư của Trung Quốc tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong ước tính, công ty tư nhân chiếm 87% đầu tư vào lĩnh vực sản xuất trong năm 2012, năm gần nhất dữ liệu này được cập nhật. Họ nhạy cảm hơn với chi phí đầu vào.
Công suất các nhà máy tại Trung Quốc trong quý I/2021 đã giảm so với quý trước đó.
"Đại dịch, cùng với sự bất an về thương mại trong tương lai khi Mỹ có chính quyền mới - cả 2 đều không có lợi cho đầu tư dựa trên triển vọng tăng trưởng dài hạn", Holz nói.
Tắc nghẽn vận tải cũng là một thách thức với các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu. Gordon Gao, người xuất khẩu các sản phẩm nông sản Trung Quốc, cho biết ông phải từ chối 80% đơn hàng trong năm nay do sự chậm trễ của ngành vận tải. Có những đơn hàng được đặt trước vào giữa tháng 2 nhưng chỉ có thể giao sau 3 tháng vì thiếu container.
Bắc Kinh đang cố gắng cải thiện điều kiện đầu tư cho các công ty tư nhân bằng cách ra lệnh trấn áp đầu cơ nhằm kiềm chế giá hàng hoá, đồng thời nới lỏng khả năng tiếp cận các khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, chính phủ lại rút dần các biện pháp kích thích tài chính và tiền tệ được áp dụng từ năm ngoái.
Đối với các nhà sản xuất như Li, sẽ cần một thời gian dài hơn để công ty kiểm soát giá đầu vào, đồng thời nhìn nhận chính xác về nhu cầu trong nước trước khi mở rộng sản xuất. Công ty với 200 nhân công của ông đã tuyển nhân viên rầm rộ giai đoạn trước đại dịch. Hiện tại, ông không có kế hoạch mở rộng. "Tôi sẽ không làm điều đó thời điểm này. Tôi muốn thuê một số nhân công tạm thời và outsource phần còn lại", ông nói.
Tham khảo nguồn: Bloomberg