Dù đang là mùa cao điểm, lượng hàng xuất khẩu rất lớn nhưng với giá cước vận tải biển tăng gấp 3, thậm chí là 7 lần ở các thị trường chủ lực khiến doanh nghiệp rơi vào thế bị động. Hàng hoá ứ đọng khoảng 30% so với kế hoạch. Nông sản và thuỷ sản là ngành hàng bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi giá trị gia tăng thấp.
Hiện giá cước vận tải quốc tế niêm yết quanh mức 10.000 USD/container 40 feet đi Mỹ, đi các nước khu vực Địa Trung Hải khoảng 5.000 USD/ container 40 feet và khoảng gần 3.000 USD/ container 20 feet đi Australia…
Từ đầu tháng 3, lượng container rỗng để đóng hàng xuất khẩu đã dễ kiếm hơn so với trước Tết nhưng giá cước vận tải vẫn ở mức cao. Ảnh minh họa - Dân trí.
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp cố gắng giữ đơn hàng và thị trường, gánh nặng về cước vận tải biển càng khiến họ khó khăn hơn.
Theo quan sát của Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam , nếu như cao điểm Tết vừa qua, tình trạng thiếu container rỗng vào khoảng 80% so với nhu cầu thì hiện giảm còn khoảng 30%, tức đã cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, giá cước vận tải container do các hãng tàu quốc tế niêm yết vẫn chưa giảm tương xứng, có hiện tượng các hãng tàu "nhìn nhau" để điều chỉnh giá.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng lo ngại, sự cố kênh đào Suez sẽ khiến giá cước vận chuyển quốc tế tiếp tục tăng, gây xáo trộn thị trường hàng hóa và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước sẽ càng khó khăn hơn.