Là Startup gây nhiều chú ý khi được Shark Bình nhanh chóng “chốt deal” và đặt cọc ngay trên sóng, Coolmate bước ra từ chương trình Shark Tank là một trong những dự án liên tục tăng trưởng. Đơn cử, CEO Phạm Chí Nhu chia sẻ trên trang Facebook cá nhân, 5 ngày bán hàng của Coolmate sau sự kiện Shark Tank mang về doanh số bằng cả năm 2019.
Đặc biệt, chỉ sau 4 tháng lên sóng, Coolmate nhận được vốn thêm từ hai nhà đầu tư mới gồm: (i) vòng gọi vốn Pre-A với 500.000 USD định giá công ty 5 triệu USD từ STIC - quỹ đầu tư lớn thứ 3 tại Hàn Quốc và cũng là nhà đầu tư vào Tiki Việt Nam từ giai đoạn đầu và (ii) gọi vốn từ Quỹ VIC Partner (giá trị rót vốn không được tiết lộ).
Bức tranh kinh doanh cũng tăng trưởng ấn tượng khi tính bằng lần qua các năm. Năm 2020, Coolmate đạt doanh số 39 tỷ đồng. Sang năm 2021 (sau khi tham gia Shark Tank), Công ty tăng vọt với 137 tỷ đồng doanh số - gấp 3 lần năm ngoái. Đây được đánh giá là giai đoạn “thiên thời – địa lợi – nhân hoà” của Coolmate, khi xu hướng tiêu dùng online lên ngôi trong bối cạnh đại dịch Covid-19 hoành hành và Công ty thì liên tục nhận được vốn đầu tư mới.
2022 theo đó là một năm đầy tham vọng của Coolmate, Công ty dự định doanh số tiếp đà tăng phi mã lên 440 tỷ đồng. Tương ứng, Công ty đạt quân bình 2.700 đơn/ngày, 8.200 sản phẩm/ngày.
Trao đổi với chúng tôi, CEO Phạm Chí Nhu ước tính doanh số năm qua vào khoảng 300 tỷ đồng (chưa kiểm toán). So với kế hoạch ban đầu, Coolmate chỉ thực hiện được hơn 68%, song con số này so với năm 2021 vẫn khá ấn tượng với mức tăng 2x, bất chấp nền kinh tế nhiều biến động.
Website bán hàng đạt 16 triệu lượt truy cập, tương ứng 43.835 lượt truy cập/ngày, xấp xỉ 1.826 lượt/giờ. Lên kế hoạch cho năm 2023, Coolmate dự kiến doanh số 500 tỷ đồng.
Nguồn: Tri Túc tổng hợp.
Trong bài chia sẻ mới đây trên fanpage Cộng đồng Shark Tank Việt Nam, một quan điểm nêu một số bài học rút ra từ startup Coolmate, bao gồm:
Thứ nhất, khi xây dựng một thương hiệu hay sản phẩm gì, chúng ta phải đi từ bối cảnh thị trường và nhìn nhận xu hướng; từ đó quyết định được hướng đi riêng.
Được biết, bối cảnh thị trường khi Coolmate ra đời là khi ngách đồ cơ bản (“basic”, bao gồm áo thun trơn, áo lót, vớ, đồ lót…) không được chú trọng. Trong ngành thời trang, các thương hiệu lớn gần như chỉ tập trung vào đồ thiết kế, đồ công sở hoặc đồ có phong cách (thực tế đồ “basic” có bán nhưng chỉ là phụ, bán kèm theo). Trong khi, người Việt vẫn chấp nhận trả rất nhiều tiền cho các đồ “basic” ngoại nhập, ví dụ phải chi trả cả triệu cho chiếc áo Nike để chạy bộ, hoặc áo Uniqlo để đi uống cafe…
Mặt khác, khoảng thời gian Coolmate ra đời cùng vào giai đoạn 2017-2019, giới trẻ 9x bắt đầu có xu hướng ăn mặc thoải mái. Họ chấp nhận các sản phẩm Việt Nam miễn là có chất lượng, giá cả hợp lý và cách mua sắm tiện lợi (online, được đổi trả). Và xu hướng mua sắm tại thời điểm đó là online nên không nhất thiết phải mở cửa hàng online mà có thể bán trên sàn, website để tiếp cận khách hàng.
Với những luận điểm trên, Coolmate nhận thấy về mặt chất lượng có thể sản xuất ra các món đồ cơ bản với chất lượng 70% so với Uniqlo nhưng với mức giá thấp hơn phân nửa. Chưa kể, Việt Nam là nước gia công thời trang cho các thương hiệu lớn, từ kỹ thuật may mặc cho tới chất liệu... đều rất tốt.
Thứ hai, giá trị Coolmate đem đến cho khách hàng. Hiện, đối tượng khách hàng chính của Coolmate là nam giới (cụ thể là đối tượng sinh viên, dân công sở với thu nhập từ 7 triệu đồng (mức phổ biến) đến 20 triệu đồng (mức đủ sống)). Coolmate sẽ đáp ứng nhu cầu về các sản phẩm cơ bản không cần thiết kế, chất liệu tốt, phong cách hợp thời và bán giá tốt so với hàng ngoại nhập, mức giá từ 200.000 đồng đổ lại, có thương hiệu, đặc biệt bán theo “set” để lựa chọn (không mất thời gian suy nghĩ, phối đồ).
Quần áo Coolmate được đánh giá không chỉ thích hợp cho đi làm, đi chơi mà còn có thể sử dụng khi tập thể dục hoặc ở nhà. Đây là những nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt của một nam giới, chiếm tới 50% giá trị sử dụng.
Mặt khác, so với đối thủ, trong khi quần áo “basic” vốn được xem là đồ ít tiền và không dùng ở các sự kiện trang trọng thì các thương hiệu nước ngoài (như Uniqlo, Zara..) lại bán chúng ở mức giá rất cao (không đại diện để đáp ứng được cho số đông người tiêu dùng).
Thứ ba, năng lực từ sự quan sát. Cụ thể, để hình thành được hướng đi và có được thành tích trên, Coolmate được biết đã nắm bắt khách hàng dựa vào quan sát và khảo sát trên facebook, sàn, cộng đồng cũng như nói chuyện trực tiếp.
Không chỉ lực chọn đối tác giá công đảm bảo chất lượng, Công ty cũng đa dạng sản phẩm từ thông qua việc thay đổi các nhóm đồ, màu sắc…
Cuối cùng là năng lực vận hành và marketing, thay vì bán giá cao, Coolmate bù đắp doanh số nhờ bán số lượng lớn và tối ưu được chi phí (chỉ bán online). Song song, dù là đồ “basic” song câu chuyện Coolmate mang đến cho khác hàng theo đánh giá không phải chỉ bán việc ăn việc mặc, mà là bán “lifestyle” theo phong cách tối giản cho đối tượng người dùng của mình.