"Đây là lần đầu tiên trong đời tôi thấy nỗi sợ hãi tràn ngập Vũ Hán", Robin Chen, một cư dân nói. Mặc dù Tết Nguyên đán là dịp người dân Trung Quốc thăm họ hàng, gia đình, nhưng năm nay, Chen đã quyết định ở yên trong nhà. "Chúng tôi tin rằng vẫn còn rất nhiều người nhiễm virus ở Vũ Hán, vì vậy chúng tôi nghĩ việc rời khỏi nhà sẽ rất nguy hiểm", ông nói.
Dịch SARS 2002-2003 đã lan sang 17 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm thiệt mạng gần 800 người. Chỉ riêng tại Trung Quốc, tác động kinh tế ước tính khoảng 25 tỷ USD.
Năm 2003, Trung Quốc vẫn chưa đóng vai trò là động lực thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế châu Á. SARS xuất hiện trước Sáng kiến Vành đai và Con đường, trước sự thúc đẩy kinh tế và ngoại giao khổng lồ của Bắc Kinh vào Đông Nam Á, trước khi các công ty và khách du lịch Trung Quốc đi sâu vào khu vực.
"Bây giờ, Trung Quốc là cường quốc kinh tế, là một trogn các nước thống trị nền kinh tế thế giới", Rajiv Biswas, nhà kinh tế trưởng châu Á-Thái Bình Dương tại IHS Markit nói. "Nếu chỉ xét riêng lĩnh vực du lịch, du lịch quốc tế từ Trung Quốc trở lại vào năm 2003 là 20 triệu lượt mỗi năm. Những con số mới nhất cho năm 2018 đã tăng lên khoảng 150 triệu. ... Hiệu ứng truyền tải về mặt kinh tế của dịch bệnh sẽ rất đáng kể và có lẽ nhiều hơn đáng kể so với những gì chúng ta thấy năm 2003".
Với các trường hợp đã được xác nhận tại 14 quốc gia khác, chính phủ và các công ty phải đạt được sự cân bằng cực kỳ khó khăn giữa nhu cầu ngăn chặn dịch bệnh và nhu cầu hạn chế thiệt hại kinh tế. Đối với hầu hết các khu vực, nguyên nhân truyền nhiễm đầu tiên là du lịch.
Theo Cơ quan Y tế công cộng Thái Lan, 9 chuyến bay từ Vũ Hán đã hạ cánh ở Thái Lan hàng ngày trước khi công bố dịch bệnh: 3 chuyến đến Sân bay Suvarnabhumi, 2 chuyến đến Don Mueang, sân bay cũ ở phía bắc Bangkok, là trung tâm của các hãng vận chuyển ngân sách, 2 chuyến đến Phuket và 1 chuyến đến Chiang Mai và Krabi.
Trước đây, sân bay Suvarnabhumi là sân bay đến phổ biến nhất ở châu Á đối với khách du lịch từ Vũ Hán. Don Mueang đứng thứ tư. Theo nhà chức trách Thái Lan, 11.558 khách du lịch từ Vũ Hán đã bay vào sân bay Suvarnabhumi từ đầu tháng 1 cho đến khi các quan chức Trung Quốc dừng các chuyến bay ra khỏi Vũ Hán vào ngày 23/1. Gần 9.000 người đã đến Don Mueang trong cùng thời gian này.
Vào ngày 13/1, Thái Lan đã trở thành quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc xác nhận trường hợp nhiễm coronavirus - một du khách Trung Quốc 61 tuổi. Kể từ đó, thêm 13 trường hợp đã được xác nhận tại Thái Lan.
Du lịch chiếm gần 22% GDP Thái Lan và 6 triệu việc làm, theo Hội đồng Du lịch và Du lịch Thế giới (WTTC). Lượng khách du lịch Trung Quốc đã tăng từ chỉ hơn 3 triệu trong năm 2012 lên 11 triệu vào năm 2019, và hiện chiếm một phần tư doanh thu của ngành.
Jason Lim, chủ sở hữu của Old Capital Bike Inn ở Bangkok, nói rằng ngành công nghiệp này có thể phải chuẩn bị cho sự sụt giảm mạnh, và không chỉ từ Trung Quốc. "Chúng tôi cần chuẩn bị cho cả việc khách du lịch Trung Quốc giảm mạnh và những khách khác có thể cảm thấy không muốn ở chung với khách du lịch Trung Quốc tại các khách sạn", ông nói.
"Điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng chậm lại hiện tại", Lim nói thêm, vì sức mạnh của đồng baht Thái Lan đã dẫn đến một số du khách Trung Quốc hiện đang lựa chọn các lựa chọn thay thế chi phí thấp hơn, như Việt Nam và Campuchia. Tính đến ngày 28/1, Việt Nam đã có 2trường hợp được xác nhận nhiễm coronavirus; Campuchia có 1.
Các tác động đến du lịch của dịch bệnh có thể nghiêm trọng, và kéo dài trong một thời gian dài. Với SARS, du lịch đến Singapore đã giảm 70%, dẫn đến thiệt hại 1,2 tỷ USD doanh thu, theo WTTC. Phải mất 17 tháng để ngành công nghiệp này phục hồi đến mức trước khủng hoảng. Hong Kong thiệt hại 1 tỷ USD du lịch, và mất 14 tháng để phục hồi.
Những dấu hiệu đầu tiên về tác động của virus đã xuất hiện. Vào đầu năm 2020, Pan Pacific Airlines có trụ sở tại Manila đã tăng gấp đôi tần suất các chuyến bay từ Vũ Hán đến Kalibo, một cửa ngõ đến khu nghỉ dưỡng nổi tiếng trên đảo Boracay, lên 3 chuyến một tuần. Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, người gần gũi với Bắc Kinh, Philippines đã trải qua một sự đột biến về đầu tư và khách du lịch từ Trung Quốc. Chủ tịch của hãng hàng không Arturo Alejandrino hy vọng sẽ khai thác được nhu cầu mới.
Chỉ 3 tuần sau, tuyến bay đã ngừng hoạt động. Hãng hàng không, chỉ có 5 máy bay, ước tính rằng họ sẽ thiệt hại doanh thu 6 triệu PHP (118.000 USD) mỗi tuần. Tái cơ cấu lại các tuyến đường và triển khai lại Airbus A320 có thể mất 6 tháng, Alejandrino nói với Nikkei.
Tuy nhiên, Alejandrino nói rằng ông cảm thấy "nhẹ nhõm" rằng chính phủ Trung Quốc đã khởi xướng việc phong tỏa. "Nếu chúng tôi làm đơn phương, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước các đại lý, hành khách và chính phủ Trung Quốc", ông nói. "Doanh thu là doanh thu. Nhưng bảo vệ cũng là việc cần phải làm. Chúng tôi đang ở Philippines và chúng tôi không muốn virus này tấn công Philippines".
Philippines vẫn chưa xác nhận trường hợp nhiễm coronavirus, nhưng cộng đồng doanh nghiệp nước này đang trong tình trạng cảnh giác cao - đặc biệt là lĩnh vực cờ bạc trực tuyến, nơi sử dụng hàng chục ngàn lao động Trung Quốc. Chủ tịch Công ty Giải trí và Trò chơi Philippines, Andrea Domingo nói với Nikkei rằng các công ty sòng bạc trực tuyến đã được lệnh sàng lọc nhân viên cho coronavirus. Sòng bạc vốn phổ biến với các con bạc Trung Quốc, cũng được yêu cầu đưa khẩu trang cho bất kỳ du khách nào yêu cầu họ, cô nói.
Tại Nhật Bản, phản ứng của ngành du lịch ban đầu không quá mạnh. Một số công ty lữ hành nói với Nikkei trước cuối tuần bắt đầu vào ngày 25/1 rằng họ vẫn chưa gặp phải bất kỳ mối lo ngại thực sự nào. Nhưng sau khi chính phủ Trung Quốc cấm các nhóm du lịch nước ngoài, nhiều công ty bắt đầu cảm thấy bị ảnh hưởng.
Người phát ngôn của chuỗi khách sạn lớn Prince Hotels, nói với Nikkei rằng việc hủy bỏ của khách du lịch Trung Quốc đã bắt đầu trước cuối tuần Tết Nguyên đán, và tăng sau lệnh cấm. Tại cảng Yokohama gần Tokyo, lịch trình của một tàu du lịch chở 1.880 người từ Thượng Hải đã bị hủy bỏ.
Ngành du lịch Nhật Bản ngày càng phụ thuộc vào du khách Trung Quốc. Năm 2002, chỉ có hơn 450.000 khách du lịch Trung Quốc đến thăm Nhật Bản. Vào năm 2019, con số đó đã tăng vọt lên 7,4 triệu, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản.
Khách đến từ Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng số du khách đến nước này, và đã giúp thúc đẩy ngành bán lẻ. Doanh số bán hàng miễn thuế chiếm khoảng 5% tổng doanh số cho các cửa hàng bách hóa lớn của Nhật Bản, số liệu mới nhất hàng tháng cho thấy. Khi SARS bùng phát vào năm 2003, doanh số bán hàng đã giảm gần 3% mỗi năm, theo hiệp hội ngành công nghiệp này.
Toshihiro Nagahama, nhà kinh tế trưởng Dai-ichi Life Research Institute cho biết: "Nền kinh tế đang phải chịu một đợt tăng thuế tiêu thụ, do đó, sự bùng phát virus đã đến vào thời điểm tồi tệ đối với Nhật Bản. Nó đã được tính vào dịp Tết Nguyên đán của khách du lịch và Thế vận hội trong nửa năm nữa". Chính phủ Nhật Bản đã tăng thuế bán hàng từ 8% lên 10% vào tháng 10/2019.
Thế vận hội mùa hè dự kiến sẽ bắt đầu tại Tokyo vào tháng 7. Sự kiện này được cho là sẽ giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu 40 triệu lượt khách du lịch vào năm 2020 và nổ một phát sung động lực vào nền kinh tế đang nỗ lực tăng trưởng. Nhưng nếu dịch bệnh không được kiểm soát sớm, kỳ vọng đó có thể đổ bể.
Tác động kinh tế của coronavirus có tệ hơn so với dịch SARS gần 2 thập kỷ trước hay không phụ thuộc vào việc Trung Quốc và các nước láng giềng có rút được kinh nghiệm từ bài học năm 2003 hay không.