Năm 2019 là năm thứ 2 liên tiếp thị trường bất động sản và các nhà thầu xây dựng phải đương đầu với rất nhiều thách thức. Đặc biệt là ở Tp.HCM, chỉ có 4 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư, 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư, giảm lần lượt 85% và 80% so với năm 2018, thông điệp của Chủ tịch Coteccons (CTD) – ông Nguyễn Bá Dương – tại BCTN 2019.
Trong bối cảnh đó, số lượng doanh nghiệp xây dựng và bất động sản phải tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể lên đến gần 1.300 công ty, cao nhất trong nhiều năm gần đây (theo số liệu của Cục Đăng ký Quản lý Kinh doanh - Bộ Kế hoạch Đầu tư).
Năm 2020 thị trường sẽ chưa thể khởi sắc, CTD cần có một chiến lược hợp lý
Là đơn vị xây dựng, CTD cũng không ngoại lệ, trong năm qua Công ty có rất ít dự án mới được triển khai, nhiều công trình đang thi công bị tạm ngưng hoặc kéo dài tiến độ. Chính điều này đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của CTD trong khi chi phí phát sinh tăng làm lợi nhuận sụt giảm. Dự báo năm 2020, CTD khẳng định chưa phải là thời điểm khởi sắc của thị trường bất động sản khi chính sách vẫn chưa thể tháo gỡ, cùng với sự bùng phát của dịch Covid-19.
"Bước sang năm 2020, trong diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, nền kinh tế đất nước đã và đang bị ảnh hưởng tiêu cực, gia tăng thêm khó khăn cho các công ty xây dựng. Tuy nhiên tôi cho rằng, thị trường là một bức tranh sáng tối đan xen, trong thách thức sẽ luôn có rất nhiều cơ hội. Vì vậy, Coteccons cần có một chiến lược kinh doanh hợp lý, Công ty sẽ không tăng trưởng bằng mọi giá mà chỉ chọn lựa những dự án tốt, tập trung vào công tác thu hồi công nợ", ông Dương gửi gắm cổ đông.
Kết thúc năm 2019, CTD chưa hoàn thành chỉ tiêu doanh thu và lợi nhuận. Doanh nghiệp cũng năm thứ 2 ghi nhận dòng tiền kinh doanh âm; dòng tiền thuần doanh nghiệp chính thức âm năm thứ 3 liên tiếp.
Nhìn vào đồ thị kinh doanh, có thế thấy mặt bằng lợi nhuận Công ty giảm sút mạnh từ năm 2018. Tỷ suất sinh lời 2019 cũng giảm đáng kể. Trong đó tỷ suất lợi nhuận gộp/doanh thu giảm từ mạnh từ mức đỉnh 9,7% (2016) về chỉ còn 4,4%. ROAA năm 2019 chưa bằng một nửa năm ngoái với 4,3%.
Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi những lý do khách quan từ thị trường, là doanh nghiệp dẫn đầu ngành cùng cơ cấu tài chính không nợ vay, CTD có lợi thế trong việc đàm phán giá hợp đồng. Chưa kể, thị trường dù giảm nhưng nhu cầu vẫn rất lớn, mảng khu công nghiệp ngược lại kỳ vọng tăng trưởng mạnh trước làm sóng dịch chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc… nhiều cổ đông đặt dấu chấm hỏi về kết quả hoạt động kém sắc của Công ty thời gian gần đây.
Cụ thể là mối quan hệ giữa các bên liên quan gồm Ricons, Unicons, FDC (Newtecons)… vừa là người nhà vừa là đối thủ; cùng kế hoạch sáp nhập gây nhiều tranh cãi. Cổ phiếu theo đó cũng sụt giảm mạnh, lãi cơ bản trên cổ phiếu cũng giảm từ 18.357 về chỉ còn 8.859.
Cổ đông vào thế "tiến thoái lưỡng nan"?
Ghi nhận quan điểm của các cổ đông bên ngoài, những năm qua những cái tên thường gặp như Unicons, Ricons, FDC (Newtecons), BM Windows, Boho Décor, Dcons, SMART… đều được marketing nằm trong một hệ sinh thái cùng với CTD. Nhiều cán bộ chủ chốt CTD cũng được điều chuyển, giữ chức vụ điều hành tại những công ty trong cùng hệ sinh thái cho thấy sức ảnh hưởng của CTD.
Nhưng, thực tế CTD chỉ sở hữu 14,3% cổ phiếu của Ricons, và không có thêm bất kỳ cổ phần nào khác trong các công ty còn lại (trừ Unicons đã được sáp nhập 100%). Ngược lại, cá nhân Chủ tịch Nguyễn Bá Dương dù không sở hữu nhưng những người thân của ông Dương lại nằm trong danh sách các cổ đông sáng lập của hầu hết các công ty trong hệ sinh thái.
Đơn cử, ông Nguyễn Xuân Đạo (em ruột) đứng tên cổ đông sáng lập của BM Windows, Newtecons, SMART, Dcons. Ông Huỳnh Nhật Minh (em rể) là cổ đông sáng lập của BM Windows, trong khi bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ) là cổ đông sáng lập của BM Windows và nắm cổ phần lớn trong Ricons…
Bên cạnh đó, một số lãnh đạo cao cấp lâu năm của CTD xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn và giữ vị trí quan trọng tại các công ty nói trên trong hệ thống Coteccons Group. Được biết, Coteccons Group vừa đăng ký kinh doanh vào tháng 8/2019.
Cuối cùng, tiếp tục câu chuyện sáp nhập, đây cũng là tâm điểm đại hội 2 năm qua. Không chể phủ nhận, các thương vụ M&A tại các công ty lớn là hoàn toàn cần thiết để nâng cao sức mạnh của thương hiệu, cũng như củng cố nội lực để tăng trưởng.
Nhưng, với việc sáp nhập Unicons vào CTD, lượng sở hữu của các lãnh đạo công ty trong CTD đã tăng đáng kể. "Giả định nếu kịch bản này tiếp tục lặp lại và Ricons được sáp nhập thành công vào CTD theo đúng phương án phát hành cổ phiếu hoán đổi, gia đình chủ tịch Nguyễn Bá Dương và một số cộng sự thân thích sẽ có ưu thế vể sở hữu", cổ đông bên ngoài đặt vấn đề.
Nhìn từ góc độ này, các cổ đông hiện hữu tại CTD đang bị đặt vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bởi nếu vòng lặp sáp nhập – xây công ty – sáp nhập diễn ra thì lượng sở hữu của họ tiếp tục bị pha loãng nếu không có sở hữu tại các công ty được sáp nhập. Còn trong trường hợp từ chối sáp nhập, dù các công ty trong hệ sinh thái với hậu phương từ CTD có thể tăng trưởng mạnh nhưng bản thân các cổ đông sẽ không nhận được lợi ích gì.
Tựu chung, làm thế nào để đảm bảo sự hài hòa về mặt lợi ích cho các bên liên quan, đặc biệt những bất đồng trong khối lãnh đạo, cổ đông lớn của CTD đang là vấn đề được các nhà đầu tư bên ngoài đặc biệt quan tâm trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2020.