Vào cuối tuần qua, Coteccons (CTD) ghi nhận trúng thầu 2 dự án mới từ Tập đoàn Vingroup (VIC), với tổng giá trị gần 7.000 tỷ đồng. Chi tiết:
(1) Dự án VinCity Sportia – Hà Nội: CTD đảm nhận thi công 14 tháp, gồm 4 tháp của phân khu 1 (lô F1), 5 tháp của phân khu 3 (lô F3) và 5 tháp của phân khu 4 (lô F4). Theo đó, các hạng mục công việc được thực hiện từ phần móng, hầm, thô và hoàn thiện cơ bản. Dự án dự kiến hoàn thành tháng 8/2020.
(2) Dự án Vincity Ocean Park – Hà Nội: Là một trong những đại dự án thuộc cụm Vincity, CTD dự tham gia thi công 17 tháp bao gồm phân khu 1 (5 tháp), phân khu 2 (4 tháp) và phân khu 3 (8 tháp).
Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng trở lại đây, CTD đã tiếp nhận 5 gói thầu có giá trị lên đến gần 11.500 tỷ đồng.
Về CTD, 9 tháng đầu năm ghi nhận doanh thu 20.737 tỷ, tăng gần 14% so với cùng kỳ. Trong đó, mặc dù phân khúc dân dụng tiếp tục đóng góp chính với tỷ trọng 47% (giảm 27% so với cùng kỳ), tăng trưởng doanh thu 9 tháng chủ yếu đến từ:
(i) tăng trưởng ấn tượng của phân khúc công nghiệp với doanh thu 5.806 tỷ đồng (chiếm 28% tổng doanh thu, tăng 254%);
(ii) mảng khách sạn và nghỉ dưỡng tăng trưởng khả quan với doanh thu 2.488 tỷ đồng (chiếm 12% tổng doanh thu, tăng 128%).
Cơ cấu doanh thu của CTD
Nguồn: CTD, BVSC.
Một số dự án trọng điểm kể tên bao gồm khu phức hợp Dung Quất và nhà máy VinFast, Pullman Hải Phòng (1.600 tỷ), Hilton Sài Gòn (2.000 tỷ).
Triển vọng từ dự án VinCity và các tham vọng M&A
Thời gian tới, CTD cho biết trong các dự án VinCity Công ty sẽ đóng vai trò là tổng thầu và chịu trách nhiệm cho khoảng 35% tổng số công trình. Công ty cũng nhấn mạnh rằng một ít doanh thu từ các dự án này sẽ được ghi nhận trong quý 4/2018.
Giá trị hợp đồng ký mới CTD thời gian qua đã giảm 6%, nên giá trị hợp đồng mới vào cuối tháng 9 đạt 20.000 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ book-to-bill là 0,96 lần, thấp hơn so với tỷ lệ 1,17 lần của 9 tháng đầu năm 2017.
Tỷ lệ book-to-bill giảm cho thấy ngành xây dựng trong nước có lẽ đã tiến gần đến giai đoạn tăng trưởng ổn định, khi tăng trưởng toàn ngành đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng backlog chuyển sang thời gian còn lại của năm 2018 và 2019 là 22.065 tỷ, giảm 14% so với cùng kỳ. Được biết, giá trị hợp đồng ký mới chưa bao gồm các hợp đồng lớn như VinCity vì tính bảo mật của các dự án này.
Trong khi đó, CTD cũng đang có kế hoạch M&A mua 5 công ty liên kết bao gồm Ricons (một công ty xây dựng quy mô trung bình mà CTD hiện đang sở hữu 15%), và bốn công ty nhỏ và vừa khác hoạt động trong lĩnh vực thiết kế nội thất và vật liệu xây dựng. Theo Ban Giám đốc, Công ty sẽ thảo luận thêm về các thương vụ M&A này trong đợt ĐHCĐ thường niên sắp tới vào tháng 3/2019. Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng các thương vụ M&A thành công có thể là một ẩn số cho triển vọng tăng trưởng của CTD khi giúp Công ty củng cố chuỗi cung ứng, tăng tính minh bạch và thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.
Theo đó, BVSC dự báo doanh thu cho năm 2018 cua CTD đạt 29.242 tỷ, tăng 7,7% với doanh thu xây dựng chiếm 99,8%. Tương ứng mức lợi nhuận sau thuế ở mức 1.491 tỷ đồng, giảm 9,8% so với năm 2017.
Bước sang năm 2019, doanh thu CTD kỳ vọng tiếp tục tăng 5,4% lên 30.816 tỷ, trong đó 99,8% đến từ hoạt động xây dựng chính. Lãi sau thuế được kỳ vọng tăng 4,1% lên 1.551 tỷ đồng.
Hơn nữa, mảng công nghiệp của CTD cũng được kỳ vọng có thể đảm bảo 15-20% tổng doanh thu trong các năm sắp tới, nhờ hưởng lợi từ việc các nhà sản xuất nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội di dời nhà máy sản xuất sang Việt Nam nhằm tránh những tác động tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.