Jiang Junsheng đã phải nghiền bỏ một tấn tỏi, chuyển hóa số cây trồng tồn đọng thành phân bón, nhưng anh vẫn còn phải xử lý thêm gần 5 tấn khoai lang, bắp cải cùng các loại rau khác tại trang trại hữu cơ của mình ở tỉnh Hà Nam, thuộc vùng trung tâm Trung Quốc Đại lục.
Jiang đã cố gắng giảm đến nửa giá bán các sản phẩm chất lượng tốt nhưng hầu như không thể bán được hàng trong 1 tháng vừa qua, bởi mạng lưới vận tải ở nhiều địa phương của Trung Quốc đã bị đình trệ sau sự bùng phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới, gọi là dịch COVID-19, từ cuối tháng 1.
"Bình thường vào các năm, tôi sẽ bán được khoảng 40.000 tệ (khoảng 5.720 USD) hàng hóa rau củ trong vòng ba tuần sau Tết Nguyên đán. Nhưng năm nay, doanh thu gần như bằng 0," Jiang nói với tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP).
Jiang sử dụng giải pháp hữu cơ từ sản phẩm dư thừa để phát triển mùa màng. Công việc kinh doanh của anh phụ thuộc rất lớn vào các dịch vụ vận tải để đưa sản phẩm đến thị trường ở những thành phố xa xôi, có nhu cầu hàng đầu như Bắc Kinh hay Thượng Hải - nơi người dân sẵn sàng chi trả cho mặt hàng này.
Dịch COVID-19 bùng phát đã khiến khâu vận chuyển bị gián đoạn.
"Trong vài tuần qua, kết nối giữa hầu hết các thành phố đã bị gián đoạn. Người và phương tiện đôi khi không thể đi lại giữa các thôn làng với nhau," Jiang nói, cho biết nhiều tuyến đường đã khai thông trở lại và có thêm các đơn vị vận chuyển khôi phục hoạt động từ tuần này - cùng với nỗ lực của chính phủ Trung Quốc để đưa hoạt động sản xuất lao động trên cả nước trở lại guồng quay. Dù vậy, Jiang cho rằng mạng lưới vận tải còn cần nhiều thời gian để tái vận hành toàn diện.
Hãng cố vấn tại Bắc Kinh BRIC Agri-Info Group đánh giá, tại Trung Quốc Đại lục, hơn 3 triệu tấn nông sản - phần lớn là các loại rau củ dễ hỏng - đã "ế hàng" bởi chuỗi vận tải bị gián đoạn.
(Ảnh minh họa: SCMP)
Ngành chăn nuôi gia cầm tổn thất nặng nề
Theo SCMP, người nông dân trong các ngành khác thuộc lĩnh vực nông nghiệp của Trung Quốc cũng chịu tổn thất lớn khi phải chật vật bán sản phẩm hay bị thiếu hụt nhân công.
Các đơn vị chăn nuôi gia cầm thuộc nhóm bị thiệt hại nghiêm trọng nhất trong đợt khủng hoảng này - SCMP dẫn đánh giá của nhà chức trách bản địa và giới quan sát công nghiệp.
Tại huyện Pingyang ở tỉnh Chiết Giang, chủ cơ sở Xie Chuanzao nói anh tổn thất hàng trăm nghìn nhân dân tệ bởi không thể bán được gà. Xie có hơn 20.000 gia cầm tại nông trại và phải tiếp tục chi tiền để nuôi số gia cầm trưởng thành này cho đến khi tìm được người thu mua.
"Trong tháng vừa qua, một nửa đàn gia cầm đã đạt đến cân nặng để làm thịt, nhưng tôi phải tiếp tục nuôi chúng trong trang trại. Tôi chẳng thể làm được gì vì đường sá đã bị phong tỏa," Xie nói.
Anh cho biết cơ sở này chỉ bắt đầu bán được rất ít sản phẩm từ một vài ngày trước, khi đường bắt đầu được thông trở lại.
Nhằm giảm thiệt hại, Xie đã tăng giá sản phẩm. Nếu gia cầm được bán trước Tết với giá 20 tệ/kg thì nay giá bán là 26-30 tệ/kg.
Anh Xie cũng phải chi nhiều hơn cho nhân công, và buộc phải tìm lao động giá cao ở địa phương để thay thế cho nguồn nhân lực ngoại tỉnh - bởi những người này chưa thể rời khỏi địa phương do nhà chức trách áp dụng các biện pháp kiểm soát đi lại chặt chẽ. Theo Bộ nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc, điều này cũng gia tăng thêm thiệt hại cho ngành chăn nuôi gia cầm.
Riêng tại An Huy - tỉnh thuộc nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chăn nuôi gia cầm, lĩnh vực này đã thiệt hại 900 triệu tệ (hơn 129 triệu USD).
"Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thị trường gia cầm sống đã bị phong tỏa, hoạt động vận chuyển và chăn nuôi gia cầm bị gián đoạn," ông Yang Zhenhai - Yang Zhenhai, Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp Trung Quốc - đánh giá.
"Thêm vào đó, các cửa hàng giết mổ đã ngưng hoạt động khiến tiêu thụ gia cầm lao dốc. Toàn bộ lĩnh vực gia cầm đã bị tổn thất rất lớn."
Thiếu nhân lực: Đòn giáng mới vào vùng nông thôn Trung Quốc
Dịch COVID-19 mang đến thiệt hại nặng nề cho các vùng nông thôn ở Trung Quốc - nơi thu nhập bình quân chỉ bằng 40% các khu vực thành thị, và cũng là những nơi có tỉ lệ người nghèo lớn hơn.
Thu nhập ngoài đồng ruộng - dù là trong các hoạt động nông nghiệp hay công nghiệp khác - là nguồn thu chủ yếu đối với nông dân, nhưng họ đang không thể tiếp cận được nguồn thu này khi phải hạn chế ra ngoài để tránh virus corona lây lan.
Nhà tuyển dụng Peng Aihua ở Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, cho hay 3 chủ trang trại mới đây đã đề nghị cô tuyển giúp hơn 60 lao động, nhưng đến nay Peng chỉ tuyển được một nửa.
Xiangan - nơi các trang trại trên tọa lạc - là một trong 4 trung tâm then chốt của Trung Quốc về sản xuất cà rốt và các cánh đồng ở đây thường "chật cứng" công nhân thu sản phẩm.
Người lao động từ Liangshan, tỉnh Tứ Xuyên - một trong những địa phương nghèo nhất Trung Quốc - thường đến Xiangan để làm thuê, nhưng năm nay họ vẫn chưa thể trở lại vì diễn biến dịch bệnh, mà 3/4 sản lượng vụ mùa vẫn còn nằm trên ruộng.
"Họ bị kẹt ở quê nhà vì dịch bệnh. Những người này được yêu cầu nộp đơn xin cấp phép đặc biệt để rời địa phương, nhưng họ không biết phải làm thế nào bởi phần lớn đều mù chữ," Peng nói với SCMP. Cô cho biết, rất ít dân bản địa ở Xiangan chịu nhận việc và đòi trả lương cao hơn, trong khi tỉ suất lợi nhuận của ngành kinh doanh này vốn đã không cao.
Giáo sư Zheng Fengtian, thuộc Trường kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn, Đại học nhân dân Bắc Kinh, cảnh báo hệ quả của dịch COVID-19 đối với nhóm lao động nhập cư ở nước này có thể là dài hạn.
"Nhiều người làm trong ngành dịch vụ ở khu vực thành thị - như trong các nhà hàng hay salon tóc - vẫn chưa khôi phục hoạt động," Zheng nói.
Việc siết chặt kiểm soát đi lại, lưu thông ở nhiều mức độ tại nhiều địa phương khác nhau đã khiến nhiều người lao động mất thu nhập trong ít nhất vài tuần, thậm chí có trường hợp mất việc, bởi chính các đơn vị sử dụng lao động cũng rơi vào khó khăn với những vấn đề tài chính.
"Đối với người lao động, một tháng thu nhập ở thành phố có thể tương đương số tiền họ kiếm được từ đồng ruộng ở quê trong cả một năm," Zheng bình luận. "Vì vậy khi đề cập tác động của dịch bệnh, thu nhập của người nông dân nên là mối quan tâm lớn hơn là tổng thể hoạt động sản xuất nông nghiệp."
Li Guoxiang, nhà nghiên cứu tại Viện phát triển nông thôn, thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS), nói rằng vẫn còn thời gian để bộ máy trở lại quỹ đạo thông thường, bởi phần lớn mùa màng bắt đầu vào tháng 3 tại hầu hết các địa phương.
Dù vậy, ông Li cho rằng sản lượng có thể sẽ ít hơn so với các năm, bởi người nông dân sẽ ít hào hứng với mùa màng hơn khi dự kiến còn gặp khó khăn trong thu mua phân bón và hạt giống.
Nhằm ứng phó vấn đề trên, chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các địa phương đẩy mạnh công tác chuẩn bị cho vụ trồng trọt mùa xuân, và bảo đảm các tuyến giao thông thông suốt cho vận chuyển nguyên liệu nông nghiệp, trong khi tiếp tục duy trì các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
"Chúng ta càng phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức thì càng cần phải ổn định ngành nông nghiệp, và bảo đảm an toàn lương thực cùng các thực phẩm then chốt," chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu.