Số ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 hàng ngày đang tăng nhanh ở Châu Âu, thậm chí tại một số quốc gia, số ca nhiễm mới hàng ngày đạt mức cao nhất từ đầu mùa dịch đến nay. Điều đó có thể báo hiệu rằng một làn sóng lây nhiễm thứ 2 đang đến, có thể vào mùa Thu hoặc Đông này.
Tới thời điểm hiện tại, nhiều người đã ‘chán ngấy’ những thông tin về Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng ca nhiễm mới hàng ngày vẫn đang tiếp tục tăng.
Đáng chú ý là số ca nhiễm Covid-19 tại khắp các nước Châu Âu đang tăng mạnh. Báo cáo về số ca nhiễm hàng tuần hiện nay đã vượt qua cả những con số báo cáo khi dịch bệnh đạt ‘đỉnh’ lần đầu tiên ở Châu Âu, hồi tháng 3/2020. Mặt khác, số ca nhiễm mới hàng ngày ở một số quốc gia cũng cao kỷ lục, chẳng hạn như ở Tây Ban Nha hoặc Pháp.
Không còn nghi ngờ gì nữa, các quy trình xét nghiệm – đã được cải tiến lên nhiều – cho thấy chúng ta đang ở một giai đoạn lây nhiễm tăng. May thay là tỷ lệ ca tử vong vì dịch bệnh hiện thấp hơn nhiều so với hồi mùa Xuân, vì virus hiện bắt đầu lây lan trong bộ phận dân số trẻ tuổi hơn, và hệ thống chăm sóc sức khỏe đã được trang bị tốt hơn để xử lý dịch bệnh.
Mặc dù vậy, Tổ chức Y tế thế giới vẫn cảnh báo rằng tình hình có thể xấu đi khi mùa Đông đang đến gần.
Nếu virus trở thành ‘bình thường’ mới và bằng cách nào đó, mọi người không còn lo sợ về nó nữa, thì cũng không có nghĩa là virus mới ngừng lây nhiễm trong cộng đồng con người, và không ảnh hưởng đến kinh tế. Ở nhiều nơi trên thế giới đã và đang áp dụng trở lại các chính sách phong tỏa hoặc hạn chế đi lại/tiếp xúc để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2
Do đó, khi mà những dự báo lạc quan nhất vẫn chưa thành hiện thực và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã điều chỉnh dự báo về tăng trưởng kinh tế quốc gia năm 2020 thì số ca nhiễm Covid-19 mới tiếp tục gia tăng trên khắp Châu Âu, nhắc nhở một thực tế là đại dịch vẫn chưa kết thúc. Trong thời gian tới, nếu số ca nhiễm mới vẫn tgieeps tục tăng thì chắc chắn đà hồi phục kinh tế thế giới sẽ chậm lại.
Dĩ nhiên chúng ta có lý do để không quá bi quan, vì hiện đã có những phương pháp điều trị, xét nghiệm nhanh và sắp có vắc-xin chống Covid-19. Tuy nhiên, vắc-xin chưa được phổ biến rộng rãi đủ để sớm giải quyết được dịch bệnh.
Cần biết rằng, một vắc-xin khi nghiên cứu xong cũng mới chỉ là sự khởi đầu của một chặng đường dài, có thể chỉ làm cho quá trình lây lan virus chậm lại. Quá trình này ngắn hay dài tùy thuộc vào mức độ hiệu quả của vắc-xin và vào khả năng cung cấp hàng trăm triệu liều của những cơ sở sản xuất ra nó.
Thực vậy, để sản xuất và phân phối hàng tỷ liều vắc xin cho khắp thế giới cần nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Ngoài ra, nhiều người vẫn có thể từ chối tiêm vắc-xin, vì thực tế cho tháy, 20% người Mỹ nói rằng họ sẽ không dùng vắc-xin, trong khi 30% số khác không chắc chắn là sẽ dùng. Điều này cho thấy vắc-xin có thể không giúp cho toàn xã hội miễn dịch với virus.
Vậy sự tái bùng phát của virus Covi-19 ảnh hưởng đến thị trường vàng như thế nào?
Hiện virus này không còn gây sợ hãi tột độ với mọi người như hồi mùa Xuân. Do đó, số ca nhiễm mới virus Covid-19 ở Châu Âu cho tới thời điểm hiện tại không ảnh hưởng đáng kể đến giá vàng.
Tuy nhiên, số ca nhiễm ở Châu Âu tăng trở lại cho thấy dự báo dịch bệnh sẽ tái bùng phát vào mùa Đông đang trở thành hiện thực, tức là chỉ còn vài tháng nữa. Chắc chắn làn sóng lây nhiễm thứ 2 đó, nếu xảy ra, sẽ tác động tích cực lên giá vàng.
Tuy nhiên, thị trường vàng còn chịu tác động từ Mỹ. Nếu số ca nhiễm virus Covid-19 tiếp tục tăng nhanh ở Châu Âu thì đồng USD sẽ tăng giá so với đồng EUR, làm giảm sút nhu cầu mua vàng làm ‘nơi trú ẩn an toàn’.
Bên cạnh đó, nếu làn sóng lây nhiễm virus Covid-19 thứ 2 xảy ra, kinh tế sẽ suy thoái sâu hơn, bất ổn sẽ gia tăng nhiều hơn, và sẽ dẫn tới những chương trình kích thích kinh tế bổ sung của các ngân hàng trung ương.
Về điều này, mới đây, Ủy ban Thị trường mở của FED (FOMC) công bố sẽ theo đuổi chính sách tiền tệ ôn hòa. Điều đó lẽ ra kích thích giá vàng tăng, nhưng thực tế lại không như vậy.
Tuy nhiên, những nhà phân tích kỳ cựu cho biết, hiện tượng đó có thể so sánh với những người nghiện ma túy – không hài lòng với liều thuốc hiện tại, mà chờ đợ những liều thuốc tiếp theo. Nghĩa là giới đầu tư vàng chờ sẽ có thêm các chương trình kích thích mới nhưng chưa thấy điều đó.
Nhưng những gói kích thích kinh tế bổ sung sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. FED không quan tâm đến vàng, nhưng lại rất chú trọng đến phố Wall và vàng sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ điều đó.
Tham khảo nguồn: Oilprice