Cụ thể, trong văn bản gửi hai Sở Công Thương Hải Dương và Bắc Giang, Bộ Công Thương cho biết, Bộ Công Thương nhận được công hàm số 02/shouan/333 ngày 20/4/2020 của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF) thông báo không thể cử chuyên gia của Cục Bảo vệ thực vật Nhật Bản sang Việt Nam để kiểm tra, công nhận hệ thống xử lý khử trùng quả vải tươi xuất khẩu của Việt Nam do tác động của dịch bệnh Covid-19.
Từ thực tế này, MAFF lo ngại việc xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam lần đầu tiên sang thị trường Nhật Bản sẽ không thể triển khai trong vụ thu hoạch vải năm 2020.
Người dân xã Phúc Hòa, huyện Tân Yên (Bắc Giang) chăm sóc vải thiều sớm. Ảnh: Văn Giang.
Trước tình hình đó, Lãnh đạo Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị đồng chí Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản làm việc với Bộ Nông Nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản để thuyết phục phía Nhật xem xét các giải pháp khác thay cho việc phải cử chuyên gia sang Việt Nam kiểm tra cơ sở khử trùng như tạm thời ủy quyền cho các tổ chức giám định độc lập tại Việt Nam thực hiện việc này trong thời gian trước mắt hoặc phối hợp với Bộ NNPTNT thực hiện các biện pháp kiểm tra từ xa (kiểm tra trên hồ sơ và kiểm tra thông qua truyền hình trực tiếp các cơ sở khử trùng).
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng đã có công thư gửi Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đề nghị MAFF thúc đẩy xem xét các biện pháp đặc biệt, sáng tạo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 để tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi vào Nhật Bản phù hợp với tinh thần Tuyên bố chung Nhật Bản – ASEAN về Sáng kiến phục hồi kinh tế ứng phó với dịch Covid-19.
Bộ Công Thương đề nghị các Sở nắm bắt thông tin và phổ biến kịp thời cho các đơn vị, doanh nghiệp liên quan. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan của cả hai nước để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam sang Nhật Bản.
Hiện, các kịch bản tiêu thụ vải thiều đã được các địa phương có sản lượng vải thiều lớn chuẩn bị sẵn sàng. Theo báo cáo của UBND tỉnh Bắc Giang, năm 2020, tỉnh Bắc Giang có trên 28.000 ha vải, sản lượng ước đạt trên 160.000 ha, tăng 10.000 tấn so với năm 2019; trong đó vải sớm 6.000 ha, sản lượng 45.000 tấn; vải thiều chính vụ trên 22.100 ha, sản lượng 115.000 tấn.
Diện tích vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh có 15.000 ha, chiếm 53% tổng diện tích toàn tỉnh, sản lượng ước đạt 110.000 tấn, chiếm gần 69% tổng sản lượng.
Vải chứng nhận GlobalGAP đạt 80 ha, sản lượng ước đạt 500 tấn phục vụ các thị trường cao cấp; trong đó, có 19 mã số vùng trồng vải thiều được cấp để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, với diện tích 103 ha thuộc các xã Hồng Giang, Nam Dương, Tân Sơn, Quý Sơn, Giáp Sơn, Hộ Đáp của huyện Lục Ngạn và xã Phúc Hòa của huyện Tân Yên.
Vải sớm thu hoạch từ ngày 20 tháng 5 đến mùng 5 tháng 6, vải thiều chính vụ thu hoạch từ ngày 10 tháng 6.
Ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác chuẩn bị xuất khẩu vải thiều sang thị trường Nhật Bản đã được hoàn thành. Về tiêu thụ vải thiều phương châm của địa phương là tập trung đẩy mạnh mở rộng thị trường tiêu thụ, trước hết là đối với những thị trường truyền thống, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thương nhân và doanh nghiệp đến kết nối thu mua vải thiều.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay, Bắc Giang đã chủ động xây dựng các kịch bản cụ thể đối với tiêu thụ vải thiều, đồng thời mong muốn các Bộ ngành liên quan cùng hỗ trợ địa phương trong công tác xuất khẩu:
"Đối với kịch bản thuận lợi nhất, đó là xuất khẩu sang các thị trường, các thị trường truyền thống và thị trường mới. Kịch bản thứ hai là khó khăn nhưng vẫn có thể xuất khẩu được. Kịch bản thứ ba là khó khăn nhất là không xuất khẩu được. Trước diễn biến phức tạp dịch bệnh Covid -19, Bắc Giang đặc biệt coi trọng thị trường nội địa trong nước, tỉnh sẵn sàng khởi động cả 3 kịch bản này trong mọi tình huống chủ động tốt nhất để tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho người dân sản xuất, tiêu thụ được sản phẩm" - ông Thái khẳng định.