Nam giới bị suy giảm tuổi thọ lớn hơn phụ nữ ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, sự suy giảm lớn nhất được nhận thấy ở đàn ông Mỹ. Những người này đã giảm 2,2 năm tuổi thọ so với mức năm 2019, tiếp theo là nam giới Lithuania, với mức giảm 1,7 năm.
José Manuel Aburto, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "Đối với các nước Tây Âu như Tây Ban Nha, Anh, xứ Wales, Ý, Bỉ, và các nước tương tự, lần cuối cùng mức độ suy giảm tuổi thọ trung bình trong một năm lớn như vậy là trong Thế chiến thứ hai".
Nghiên cứu cho thấy phụ nữ ở 8 quốc gia và nam giới ở 11 quốc gia đã bị tổn thất hơn một năm tuổi thọ, trong khi 22 quốc gia khác bị giảm hơn nửa năm. Tiến sĩ Aburto cho biết: "Các quốc gia này phải mất 5,6 năm mới có thể đưa mức tuổi thọ trung bình tăng thêm một năm. Tuy nhiên, tiến bộ này đã bị xóa sổ trong năm 2020 bởi Covid-19".
Sự sụt giảm tuổi thọ ở Mỹ vào năm 2020 là chưa từng có đối với cả nam và nữ, theo dữ liệu có sẵn kéo dài từ năm 1933 trong thời kỳ Đại suy thoái. So với năm trước, phụ nữ Mỹ giảm 1,65 tuổi thọ vào năm 2020.
Ở Mỹ, sự sụt giảm lớn về tuổi thọ này một phần là do tỷ lệ tử vong ở những người trong độ tuổi lao động gia tăng đáng kể. Ridhi Kashyap, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Sự gia tăng tỷ lệ tử vong ở nhóm tuổi dưới 60 ở Mỹ và tỷ lệ tử vong của nhóm người trên 60 tuổi ở hầu hết các nước châu Âu đều góp phần đáng kể vào việc suy giảm tuổi thọ".
Các chuyên gia y tế đã cho rằng sự khác biệt về mặt sinh học và các yếu tố hành vi khiến tỷ lệ mắc bệnh nghiêm trọng ở nam giới cao hơn so với nữ giới. David Dowdy, phó giáo sư Dịch tễ học tại Đại học Y Johns Hopkins cho biết: "So với phụ nữ, nam giới thường làm ra những hành vi khiến dịch bệnh lây lan. Họ không chỉ gặp mặt nhiều hơn mà còn hay chần chừ không báo cáo khi bị ốm".